Năm ngoái, doanh số toàn thị trường ôtô Việt Nam đạt 369.431 chiếc, giảm 25% so với năm 2022 (486.217). Trong khi đó, doanh số ôtô điện có sự tăng trưởng tích cực. Chỉ tính riêng VinFast, hãng xe thuần điện này công bố kết quả năm tài chính 2023 bàn giao 34.855 ôtô điện, gấp 5 lần năm trước đó.
Xu hướng xe điện đang phát triển tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên người dùng đang ở những bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Tại tọa đàm Car Talks với chủ đề "Chuyển đổi xe xăng sang xe điện dễ hay khó" trên VnExpress, chuyên gia và người dùng xe điện đã chia sẻ về thuận lợi cũng như rào cản trong quá trình này.
"Thị trường xe điện Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã có sự phát triển rõ nét. Điều này đến từ nỗ lực của nhà sản xuất, sự ủng hộ của người dùng và đặc biệt là chính sách của nhà nước", ông Thành Lê – Chuyên gia lĩnh vực ôtô, nói tại tọa đàm. "Việc miễn lệ phí trước bạ cho ôtô điện kéo dài đến hết năm 2025 giúp chi phí lăn bánh xe điện giảm, hỗ trợ người dùng có động lực lớn hơn khi mua xe điện".
Ông Thành Lê nhấn mạnh, kể từ khi chiếc VinFast e34 được bán ra thị trường vào năm 2021, tính đến thời điểm này hạ tầng trạm sạc ở Việt Nam đã phủ dày khắp cả nước. Đây là yếu tố quan trọng giúp người dùng yên tâm hơn khi chọn mua loại phương tiện mới, phản ánh rõ nét qua doanh số bán.
Ở góc nhìn của người dùng, anh Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội), một trong những khách hàng tiên phong sở hữu mẫu VF 5 cho biết cũng rất bắt khoăn trước khi quyết định "xuống tiền" để mua xe.
"Tôi đã tìm kiếm thông tin về xe trên các phương tiện truyền thông, chia sẻ ở các hội nhóm xe điện tại Việt Nam, đến showroom xem xe, thuê xe chạy thử...rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng", anh Cường nói.
Trong khi đó với người dùng Phạm Khánh Sơn (Hà Nội) chủ xe VF 5 cho biết, là chiếc xe đầu tiên nên anh đã tìm hiểu và so sánh một vài lựa chọn sản phẩm trong phân khúc. "Tôi đã tham khảo thông tin về Kia Sonet, Toyota Raize hay VinFast VF 5. Tôi quyết định chọn VF 5 vì bốc, nhiều trang bị hiện đại, ủng hộ thương hiệu Việt", anh chia sẻ.
Nói về việc các hãng xe đưa ra các tiện ích hay chính sách để hỗ trợ người dùng xe điện, ông Thành Lê nhấn mạnh những nỗ lực của VinFast. "Các mẫu xe điện hạng sang tại Việt Nam phải sạc tại nhà hay các trụ sạc của đại lý. Trong khi đó, hãng xe Việt có đủ các tiện ích để khách hàng sử dụng xe điện dễ dàng hơn", vị chuyên gia này nói.
Theo tính toán của anh Nguyễn Mạnh Cường, thời điểm chọn mua chiếc VF 5, anh được hưởng chính sách hỗ trợ 100 % lệ phí trước bạ, giảm giá xe do là khách hàng tiên phong, được tặng voucher của VinFast, miễn phí sạc và gửi xe tại hệ sinh thái của VinFast. "Với tất cả các ưu đãi trên, chi phí để mua và sử dụng xe của tôi khá thấp nếu so với việc chọn một chiếc xe xăng", vị khách hàng 28 tuổi này chia sẻ.
Anh Cường còn nhấn mạnh, quyết định mua xe điện đến từ việc dòng xe này có lịch bảo dưỡng dài (12.000 km hoặc 1 năm), chi phí bảo dưỡng thấp... "Với một người trẻ như tôi, điều này đã giảm được rất nhiều áp lực về tài chính khi sử dụng ôtô", anh Cường nói.
Với người dùng Khánh Sơn, vấn đề hậu mãi của hãng xe Việt cũng khiến anh yên tâm hơn trong quá trình sử dụng. "Xe điện thỉnh thoảng vẫn xảy ra lỗi phần mềm, VinFast đã tiếp nhận thông tin và khắc phục nhanh chóng", anh Sơn nói. "Khi di chuyển trên đường, nếu gặp vấn đề, người dùng như chúng tôi có thể sử dụng dịch vụ cứu hộ 24/7, sạc di động... Hãng hỗ trợ rất nhiệt tình".
Ở phần cuối của tọa đàm, 3 vị khách mời xoay quanh câu chuyện về những khó khăn khiến người dùng mới chưa thể tiếp cận được với xe điện. Tuy nhiên, các chuyên gia và người dùng đều cho rằng, những khó khăn này chỉ xảy ra từ khoảng 2-3 năm trước, tại thời điểm hiện tại phần lớn các vấn đề đã được giải quyết.
"Xe điện là một loại xe mới, chắc chắn người dùng sẽ e ngại khi quyết định sở hữu bởi vẫn còn lỗi phần mềm, lo ngại vấn đề sạc pin", ông Thành Lê nói.
Đồng quan điểm với ông Thành Lê, 2 người dùng cũng cho biết, trước khi mua xe điện, họ khá lo lắng về việc dùng xe hàng ngày hoặc đôi khi đi chơi xa với gia đình, thì việc sạc có thuận tiện không.
Vị chuyên gia trong ngành ôtô cho rằng những rào cản trên đang dần được VinFast xóa bỏ trong 1-2 năm qua. Điều này đến từ việc hãng đưa chính sách ưu đãi người dùng (giảm giá xe, cho vay mua xe), ổn định giá linh kiện phụ tùng. "Cộng dồn các ưu đãi, mức giá lăn bánh của xe điện VinFast giúp người dùng dễ tiếp cận, đặc biệt việc phát triển rộng rãi hạ tầng trạm sạc trên toàn quốc", ông Lê cho biết.
VinFast hiện sở hữu hơn 150.000 cổng sạc tại 63 tỉnh, thành toàn quốc, mật độ thuộc hàng cao trên thế giới. Theo tính toán của hãng, các trạm sạc đặt trong đô thị có khoảng cách trung bình 3,5 km, trong khi 125 tuyến quốc lộ đã được lắp hạ tầng sạc điện.
Nói về thói quen sạc pin xe điện, anh Mạnh Cường cho biết thường tranh thủ sạc lúc gia đình đi mua sắm hoặc tập thể dục, bởi trạm sạc VinFast được bố trí thuận tiện. Mỗi khi đi du lịch hoặc về quê, lúc sạc pin cũng là khi gia đình nghỉ ngơi trên đường, hoặc sạc qua đêm tại khu du lịch.
Tổng kết tọa đàm, chuyên gia Thành Lê đưa ra đáp án của câu hỏi "Chuyển đổi xe xăng sang xe điện dễ hay khó" là đến từ nhu cầu và thói quen sử dụng xe của người dùng.
"Với người dùng thường xuyên đi lại trong đô thị, có lộ trình cố định, nơi ở gần nhiều trạm sạc, đam mê công nghệ...là hoàn hảo để mua và sở hữu xe điện. Trong khi đó, với những người dùng không chủ động được thời gian hay lịch trình di chuyển, việc sở hữu xe điện là chưa phù hợp", ông nói.
Hội An
Ảnh: Giang Huy
Car Talks là chuỗi Tọa đàm trực tuyến nằm trong hệ thống Giải thưởng Car Awards do Báo điện tử VnExpress tổ chức thường niên.
Tọa đàm đưa ra những chủ đề nóng, được độc giả quan tâm nhiều trong lĩnh vực ôtô, quy tụ khách mời là những chuyên gia hàng đầu trong ngành, cùng người dùng chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế và trải nghiệm của bản thân.