Một gia đình ở Hà Nội hiến tặng áo Nhật bình của hoàng hậu Nam Phương cho Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế trong lễ khánh thành điện Thái Hòa, ngày 23/11.
Trang phục có hoa văn nguyên vẹn, được làm từ vải sa nam màu vàng đậm, vải lót bằng gấm cùng màu. Áo được trang trí các họa tiết biểu trưng cho sự cát tường, phần gấu thêu hoa văn thủy ba tam sơn, cột thủy. Phần cổ áo được thêu chín con phượng - thường dành riêng cho bậc hoàng thái hậu.
Theo người tặng, áo được hoàng hậu sử dụng trong thời gian bà và các con sống tại lâu đài Thorenc, Cannes, Pháp. Nhiều hình ảnh, tranh tư liệu về gia đình vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cho thấy bà từng khoác trên mình lễ phục áo Nhật Bình, đầu đội khăn vành đóng sẵn màu vàng, mang đôi hài cùng chiếc quần chít ba bằng lụa satin trắng. Chiếc áo từng thuộc bộ sưu tập Linda Wrigglesworth, đứng đầu là bà Linda. Trang phục sau đó được gia đình ở Hà Nội mua lại và cất giữ.
Áo Nhật bình vốn là loại triều phục dành cho bậc hậu, phi, cung tần và công chúa thời Nguyễn. Áo có phần cổ thiết kế hình chữ nhật to bản, hai vạt được cố định bằng dây buộc, khi mặc vào thì phần trước ngực được ghép lại thành một hình chữ nhật nên có tên là áo Nhật bình. Thân áo thường được trang trí lộng lẫy bằng các hoa văn dạng tròn dạng phụng ổ, loan ổ đan xen với các hình hoa lá, chữ Phúc, chữ Thọ, đính kim tuyến lấp lánh. Các hoa văn trang trí được sắp xếp dựa vào cấp bậc, vai vế của người mặc.
Nam Phương hoàng hậu (1913-1963) tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh tại Sài Gòn, con ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính, thuộc một gia đình điền chủ giàu có. Năm 18 tuổi, bà và vua Bảo Đại gặp nhau lần đầu tại Đà Lạt. Ông chọn bà là người sát cánh trên cương vị "Đại Nam thiên tử" vì bà vốn dung mạo hơn người, tính hạnh thuần hậu, thuộc gia đình trâm anh, có học thức.
Theo sách Nam Phương hoàng hậu: Vị Quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí(tác giả Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính), suốt khoảng thời gian tại vị, hoàng hậu ảnh hưởng lớn đến công cuộc trị vì, góp phần giúp đỡ người dân lúc bấy giờ. Bằng học thức và tài năng, Nam Phương hoàng hậu hỗ trợ hoàng đế trong công việc và đời sống. Nếu Bảo Đại lo chính trị, hoàng hậu giữ vai trò là một quốc mẫu với công tác từ thiện xã hội. Dù tại vị chỉ hơn 10 năm, sự nghiệp của bà bao trùm trên nhiều mặt. Bà trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào phụ nữ dấn thân vào xã hội, học tập, làm việc và phát triển bản thân.
Võ Thạnh