Thông tin được lãnh đạo ngân hàng nêu tại Hội nghị Nhà đầu tư HDBank 2024, diễn ra vào ngày 27/11 tại Trung tâm Đổi mới và Sáng tạo - Galaxy Innovation Hub (Khu công nghệ cao TP HCM). Tham dự hội nghị, cổ đông và nhà đầu tư trực tiếp trải nghiệm không gian số hóa và đổi mới sáng tạo của HDBank, cùng thảo luận cởi mở về triển vọng nối dài chuỗi tăng trưởng cao 11 năm liên tiếp.
Tăng trưởng kỷ lục tạo nền tảng cho mục tiêu lãi vượt 20.000 tỷ
Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank mở đầu hội nghị bằng thông tin đầy tích cực: HDBank đạt những kết quả tốt nhất từ trước đến nay và năm tiếp theo sẽ giữ "truyền thống" này, liên tục lập đỉnh trong kinh doanh như 11 năm qua.
Cụ thể về bức tranh kinh doanh, ông Phạm Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính HDBank cho biết đến tháng 9 tổng tài sản đạt 629.000 tỷ đồng, tăng 23,9% cùng kỳ 2023. "Bốn năm gấp đôi tổng tài sản", ông nhấn mạnh, nhận tràng pháo tay từ hàng trăm nhà đầu tư tham dự hội nghị.
Hết tháng 9, dư nợ cho vay 399.000 tỷ đồng, tăng 36,7% cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 12.655 tỷ động, tăng 46,6% so với cùng kỳ 2023. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp 1,46%, thấp hơn nhiều so với trung bình ngành. Tỷ lệ ROE đạt 26,7%, ROA đạt 2,2%.
Lý giải về sự bứt tốc của lợi nhuận, ông Đẩu cho biết ngân hàng quản lý tốt về cơ cấu thu nhập, song song tăng trưởng 36,6% tín dụng. Xét toàn ngành (17 tổ chức tín dụng đã niêm yết), HDBank có tỷ suất sinh lời cao nhất toàn ngành, NIM (tỷ suất lợi nhuận thuần từ lãi vay) đạt mức kỷ lục 5,8% - cao thứ hai toàn ngành, từ đó giúp tốc độ tăng trưởng tích cực.
Ông cũng lưu ý thêm, chỉ số ROE phản ánh khả năng sinh lời cao, nên HDBank được nhiều nhà đầu tư tin tưởng. Nhà băng cũng duy trì một truyền thống khác là kiểm soát nợ xấu tốt, đạt tăng trưởng bền vững.
Về cơ cấu danh mục cho vay, với định hướng ngân hàng bán lẻ đa năng, khách hàng trọng tâm là SME, cá nhân. Đến tháng 9, tỷ trọng khách cá nhân và tài chính tiêu dùng là 39,3%; cho vay doanh nghiệp - SME là 58,8%, linh hoạt chuyển hướng đầu tư tín dụng về nông thôn, thành thị cấp hai. Tiền gửi cũng tăng trưởng ổn định, tiền gửi cá nhân lên đến 78%.
Ngân hàng tin tưởng sẽ vượt các chỉ tiêu lợi nhuận 15.852 tỷ cổ đông giao và dự kiến đạt tới trên 16.000 tỷ đồng. Kết quả của năm 2024 cũng sẽ tạo đà thuận lợi cho các mục tiêu tăng trưởng cao năm tới, khi HDBank đang sở hữu tiềm lực tài chính mạnh mẽ, an toàn vốn theo chuẩn Basel II đạt tới 14,8% cao trong nhóm dẫn đầu toàn ngành; các chỉ tiêu an toàn thanh khoản cao.
Về kế hoạch kinh doanh năm tới, năm 2025 đánh dấu hành trình 35 năm phát triển bền vững của đơn vị. Theo đó, HDBank sẽ tiếp tục thực thi chiến lược ngân hàng bán lẻ đa năng, đẩy mạnh kinh doanh số, phát huy lợi thế từ hệ sinh thái khách hàng giàu tiềm năng trong các chuỗi giá trị lớn, tích hợp toàn diện các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) vào hoạt động để tăng trưởng cao, bền vững.
HDBank dự kiến kế hoạch các chỉ tiêu tăng trưởng năm tới sẽ đạt từ 25%, với lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2024. Đồng thời ngân hàng sẽ tiếp nối truyền thống trả cổ tức cao và đều đặn như kế hoạch Đại hội cổ đông đã thông qua, mức dự kiến trên 30% tiền mặt lẫn cổ tức.
"Chúng tôi tự tin sẽ vào câu lạc bộ ngân hàng đạt lãi trước thuế 20.000 tỷ đồng, tiến tới lợi nhuận tỷ USD", ông Đẩu nhấn mạnh.
Ông Trần Hoài Nam tin rằng kế hoạch này là khả thi, dù bối cảnh vĩ mô 2025 nhiều ẩn số. Ông kỳ vọng tăng trưởng GDP vẫn ở mức 6,5-7%, các ngành bất động sản và chứng khóan dần ấm lên. Song song đó, HDBank luôn ứng dụng chiến lược linh hoạt, thích ứng với thay đổi thị trường. Như năm qua, khi tài chính cá nhân có dấu hiệu đi xuống, lãi vay cao, nhà băng chủ động giảm giải ngân tín dụng tiêu dùng và tiến vào phân khúc nông thôn, đô thị loại 2 - nơi mức cạnh tranh ngân hàng bớt khốc liệt. Đến nay, khi lãi vay hạ nhiệt, các ngành tiêu dùng, sản xuất dần ấm lên, nhà băng cũng chủ động chuyển hướng về mảng tài chính cá nhân.
Chuyển đổi số - trợ lực tăng trưởng bền vững
Một trong những chiến lược trụ cột giúp HDBank bật đà tăng trưởng là đầu tư ngân hàng số. Ông Marcin Miller - đồng Tổng giám đốc Ngân hàng số HDBank cho biết không gian số hóa của nhà băng không ngừng trải rộng trong kết nối các hành trình trải nghiệm khách hàng.
Hiệu quả từ chiến lược số hóa cũng chính là động lực quan trọng để HDBank nhanh chóng đạt tỷ lệ tới trên 97% giao dịch của khách hàng cá nhân được thực hiện trên nền tảng số, đạt gần 76 triệu lượt. 9 tháng đầu năm, HDBank đã thu hút lượng khách hàng mới cao hơn cả năm 2023, trong đó 85% lượng khách hàng mới là qua các kênh số. Đặc biệt, 122% số lượng khách sử dụng tích cực - tức họ không chỉ tải mà sử dụng thường xuyên.
Bốn trọng điểm trong chiến lược chuyển đổi số gồm: tự động hóa (hiểu hành trình - trải nghiệm người dùng), phối hợp đối tác đẩy mạnh điện toán đám mây (AWS); ứng dụng eKYC, trợ lý ảo AI, máy học để tự động, rút ngắn mọi quy trình; tiên phong thiết kế 63 dịch vụ tài chính ở 63 tỉnh thành để số hóa tài chính khu vực nông thôn.
Các chi nhánh HDBank đang dần chuyển mình thành những không gian kinh doanh số - tích hợp trải nghiệm vật lý vẫn trực tuyến. Qua đó đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngân hàng truyền thống mà còn phục vụ cả nhóm khách hàng yêu thích công nghệ số ngày càng tăng. Đây là xu hướng cộng hưởng đang thể hiện mạnh mẽ trên thế giới.
Cũng trong hội nghị, hàng trăm nhà đầu tư được trải nghiệm không gian đổi mới, sáng tạo với các giải pháp số nổi bật từ ngân hàng trên diện tích hơn 35.000 m2 của Galaxy Innovation Hub.
Đi vào hoạt động từ ngày 1/11/2023, Galaxy Innovation Hub đã nhanh chóng trở thành điểm đến hợp tác của nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Nidec và Nipro (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Intel, Facebook và Google (Mỹ)... Đây cũng là nơi được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chọn tổ chức Hội thảo "Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TPHCM (C4IR) - Động lực mới cho phát triển bền vững".
Khép lại hội nghị, ông Trần Hoài Nam tạo tiếng rộ cười khi tiết lộ điểm đặc biệt của dàn lãnh đạo là không diện sơ mi kèm vest mà chiếc áo thun đồng phục của GIH - thể hiện tinh thần số, trẻ trung năng động mà ngân hàng hướng đến. Xuyên suốt chương trình, nhà băng cũng có nhiều phần tương tác, thể hiện tinh thần số bằng cách quét mã QR để nhà đầu tư đặt câu hỏi, phản hồi với bức tranh kinh doanh. Nhiều màn tương tác tạo tiếng cười hài hước, khi nhà đầu tư đánh giá kết quả tăng trưởng "đỉnh nóc kịch trần", hay mong muốn chia cổ tức "năm sau cao hơn năm trước".
Minh Tú