Hôm 2/5, TP HCM có cơn mưa khoảng 5 phút ở một số khu vực, sau hơn 4 tháng nắng gay gắt. Khi có mưa, rất nhiều người đi xe máy bị ngã, ở những khu vực cục bộ trên đường.
Theo các chuyên gia lái xe an toàn, xe đi trên đường thải ra dầu, nhớt, bụi bẩn, cộng với bụi, đất. Khi trời nắng nóng kéo dài, các chất bẩn sẽ khô nhanh, không gây ra hiện tượng trơn trượt.
Tuy nhiên, nếu trời mưa nhẹ, lượng mưa không đủ lớn để làm trôi các chất bẩn, thay vào đó biến chúng thành một hỗn hợp nhầy dính trên mặt đường, cực kỳ trơn trượt, khiến lốp xe giảm độ bám. Xe máy chỉ hai bánh, không tự đứng như ôtô nên dễ ngã.
Khi gặp hiện tượng này, điều đầu tiên tài xế cần làm là giữ bình tĩnh và không phanh gấp. Nếu cần dừng để mặc áo mưa, cần giảm tốc độ từ từ, tìm nơi an toàn, trống xe, và dùng xi-nhan để báo hiệu cho các xe sau. Nếu sử dụng xe số, tài xế cần đưa xe về số thấp, sau đó nhả ga, tận dụng lực hãm của động cơ để giảm tốc độ. Đối với xe tay ga chỉ cần nhả ga, và rà nhẹ, nhấp nhả phanh để giảm tốc.
Lưu ý khi phanh là bóp (hoặc đạp) cả phanh trước và sau. Không bóp phanh cứng hoặc chuyển hướng đột ngột, vì rất dễ bị trượt bánh và ngã.
Đối với ôtô, khi đi qua đoạn đường ướt nên giảm tốc độ, để sẵn chân ở bàn đạp phanh, chuyển về số thấp bằng lẫy chuyển số nếu là xe số tự động, hoặc chuyển bằng cần số nếu là xe số sàn. Trong trường hợp đường trơn không tăng ga đột ngột, và giữ khoảng cách xe hơn với các phương tiện ở phía trước, nhằm có đủ khoảng cách phanh hoặc chuyển hướng nếu các xe phía trước dừng đột ngột hoặc có va chạm, té ngã xảy ra.
Ngoài ra, trước mỗi mùa mưa, tài xế cần kiểm tra kỹ hệ thống phanh và độ mòn của lốp xe, vì đây là hai bộ phận ảnh hưởng trực tiếp đến quãng đường phanh của xe. Nếu phát hiện có hao mòn, cần thay thế ở những xưởng dịch vụ chính hãng hoặc có uy tín. Trên ôtô, má phanh nên thay thế sau khoảng 40.000 km hoặc 2 năm, lốp nên thay thế sau 60.000-80.000 km hoặc 5-7 năm. Trên xe máy hoặc ôtô điện, thời gian để thay thế các linh kiện này sẽ nhanh hơn khoảng một nửa.
Hồ Tân