ThS.BS Trần Ngọc Hà Giang, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8 TP HCM (IVF Tâm Anh Quận 8), cho biết thông tin trên, giải thích thêm trong mỗi chu kỳ kinh, phụ nữ thường có một noãn (trứng) trưởng thành được giải phóng giúp thụ thai tự nhiên. Trường hợp phụ nữ điều trị thụ tinh ống nghiệm được sử dụng thuốc kích thích buồng trứng theo phác đồ cá thể hóa, khoảng 10-12 ngày. Mục đích là thu được số lượng nang trứng lý tưởng, tạo được nhiều phôi, tăng tỷ lệ đậu thai sau những lần chuyển phôi. Nếu cơ địa của người bệnh quá nhạy cảm, loại thuốc hoặc phác đồ không phù hợp có thể dẫn đến những tác dụng phụ.
Đau, chướng bụng: Thuốc có thể khiến buồng trứng tăng kích thước dẫn đến cảm giác chướng bụng, đau tức ở vùng bụng dưới. Phụ nữ có thể sử dụng túi sưởi (nhiệt độ không quá 40 độ C) để chườm bụng giảm đau. Ăn nhiều đạm, uống nhiều nước giúp duy trì sức khỏe tốt.
Ảnh hưởng hệ tiêu hóa: Các triệu chứng thường gặp như đau bụng, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi. Tình trạng này thường kết thúc khi ngừng sử dụng thuốc và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Thay đổi tâm trạng: Thuốc kích trứng là những hormone có thể làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, dẫn đến thay đổi tâm trạng, bốc hỏa, khó chịu, có thể kèm đau tức ngực. Những triệu chứng này thường tạm thời, sẽ hết khi kết thúc phác đồ dùng thuốc.
Rối loạn thị lực: Các dấu hiệu như mờ mắt, nhìn thấy những tia sáng nhấp nháy... Tác dụng phụ này thường ít gặp và kết thúc khi ngừng sử dụng thuốc.
Hội chứng quá kích buồng trứng: Dưới tác dụng của thuốc, buồng trứng bị kích thích dẫn đến các triệu chứng buồn nôn, nôn, tăng cân nhanh, mất nước. Nghiêm trọng hơn người bệnh có thể bị đông máu, rối loạn chức năng thận, xoắn buồng trứng, tụ dịch ở ngực và bụng...
Theo bác sĩ Giang, khoảng 10-20% phụ nữ gặp phải hội chứng này ở mức độ nhẹ. Các triệu chứng thường hết sau 5-7 ngày khi hoàn tất chọc hút trứng. Trường hợp có thai trong giai đoạn này có thể tăng nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng muộn và đa thai. Do đó, bác sĩ thường khuyên người bệnh không quan hệ vợ chồng trong quá trình kích thích buồng trứng và sau khi chọc hút trứng cho đến khi có kinh nguyệt trở lại.
Xoắn buồng trứng: Phụ nữ có khối u buồng trứng, đa nang buồng trứng, buồng trứng kích thước lớn có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Buồng trứng di động và quay vòng xung quanh các dây chằng cố định chúng dẫn đến xoắn. Lượng máu đến buồng trứng và vòi trứng bị cắt đứt đột ngột có thể gây hoại tử buồng trứng. Đây là biến chứng nguy hiểm cần được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Phản ứng dị ứng: "Nguy cơ phản ứng dị ứng với thuốc điều trị hỗ trợ sinh sản rất hiếm khi xảy ra", bác sĩ Giang nói, thêm rằng, người mẫn cảm với các thành phần của thuốc nên thông báo cho bác sĩ trong quá trình khám.
Bác sĩ Giang cho biết tại IVF Tâm Anh, phụ nữ vô sinh được bác sĩ khám toàn diện, chỉ định phác đồ kích thích buồng trứng phù hợp nhất. Loại thuốc, liều lượng, số ngày dùng thuốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng bệnh lý, mức độ đáp ứng thuốc... giúp hạn chế tối đa nguy cơ tác dụng phụ, tăng hiệu quả điều trị, sớm có con, tối ưu chi phí.
Người bệnh tuyệt đối không tự ý thay đổi loại thuốc, liều lượng khi chưa có tham vấn từ bác sĩ bởi một số trường hợp có thể dẫn đến điều trị lại từ đầu gây tốn kém tài chính, thời gian, ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe. Phụ nữ cũng không nên dùng các loại thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thảo dược khi chưa hỏi bác sĩ. Khi có những triệu chứng nguy hiểm, phụ nữ nên đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Hoài Thương
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |