Suy buồng trứng sớm (Primary ovarian insufficiency - POI) là tình trạng các chức năng của buồng trứng ngừng hoạt động và sản xuất trứng. Lúc này, phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe. Bác sĩ Lưu Quang Quý, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh) lưu ý các lầm tưởng về bệnh dưới đây có thể ảnh hưởng đến quá trình và kết quả điều trị.
Chỉ xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi
Bác sĩ Quý cho biết thông thường phụ nữ sau 40 tuổi mới có những dấu hiệu suy buồng trứng. Song thực tế cho thấy nhiều trường hợp suy buồng trứng trước 40 tuổi. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Climacteric của Hiệp hội mãn kinh quốc tế (IMS) năm 2019, ước tính khoảng 3,7% phụ nữ trên toàn cầu gặp tình trạng này, còn tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê.
Tại IVF Tâm Anh, khoảng 50% bệnh nhân khám và điều trị vô sinh hiếm muộn do POI. Không ít trường hợp mắc bệnh khi ở tuổi dưới 30, thậm chí 20, có cả trẻ chưa dậy thì.
Suy buồng trứng chỉ ảnh hưởng sinh sản
Khi buồng trứng ngừng hoạt động sớm, quá trình sản xuất các hormone estrogen và progesterone cũng dừng lại gây rối loạn nội tiết, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Ngoài cản trở khả năng sinh sản, suy giảm đời sống tình dục, phụ nữ bị suy buồng trứng sớm còn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương, tuyến giáp, tim mạch, suy giảm nhận thức...
Suy giảm nội tiết tố estrogen khi suy buồng trứng còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Người bệnh dễ gặp các vấn đề như lo âu, trầm cảm, đột ngột thay đổi cảm xúc, giảm chất lượng giấc ngủ...
Suy buồng trứng gây vô sinh vĩnh viễn
Phụ nữ bị suy buồng trứng sớm, dự trữ buồng trứng dần cạn kiệt theo thời gian, có khả năng không thể sinh con nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn có thể thụ thai tự nhiên, khi dự trữ buồng trứng giảm chưa đáng kể. Các phương pháp hỗ trợ sinh sản như trữ đông trứng (noãn), trữ đông mô buồng trứng, trữ đông phôi, thụ tinh ống nghiệm (IVF) có thể giúp bảo tồn khả năng làm mẹ, tăng cơ hội sinh con bằng trứng của chính mình trong tương lai.
Bệnh chỉ do di truyền
Suy buồng trứng sớm có liên quan đến sự biến dị của nhiễm sắc thể, di truyền nhưng thực tế còn nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến tình trạng này. Theo bác sĩ Quý, khoảng 90% trường hợp suy buồng trứng sớm không xác định được nguyên nhân. Tiếp xúc với hóa chất, khói thuốc lá, thuốc trừ sâu; ảnh hưởng của can thiệp, phẫu thuật buồng trứng, vòi trứng, nạo phá thai, giảm cân quá mức, mắc bệnh tự miễn như bệnh Addison, tuyến giáp tự miễn, tiểu đường... cũng có thể gây suy buồng trứng.
Không liên quan đến ung thư
Bác sĩ Quý cho biết người bị ung thư phải hóa - xạ trị cũng có nguy cơ suy buồng trứng. Hóa trị gây độc trực tiếp lên buồng trứng, mức độ tổn thương phụ thuộc vào loại thuốc, liều dùng và phác đồ. Một số loại thuốc hóa trị tác động lên dự trữ buồng trứng, gây suy giảm gián tiếp các nang nguyên thủy, dẫn đến suy buồng trứng. Trong khi đó, xạ trị có thể gây oxy hóa, tổn thương tuyến sinh dục, ảnh hưởng đến tế bào trứng. Xạ trị trực tiếp vào buồng trứng, quanh vùng chậu có thể gây vô sinh vĩnh viễn. Phụ nữ càng lớn tuổi, nguy cơ vô sinh do xạ trị càng cao.
Trường hợp xạ trị khu vực đầu cổ, não, bức xạ có thể ảnh hưởng đến tuyến yên, khiến quá trình tiết hormone gonadotrophin để buồng trứng sản xuất estrogen và progesterone bị ảnh hưởng. Hormone sinh dục không được kích thích tiết ra dẫn đến vô sinh.
Dễ nhận biết
Một số người cho rằng suy buồng trứng có thể nhận biết qua dấu hiệu mất kinh. Tuy nhiên, hầu hết không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám, điều trị vô sinh hiếm muộn. Ngoài biểu hiện rối loạn kinh nguyệt trong thời gian dài, lượng kinh nguyệt không đều, màu sắc thay đổi, nhiều triệu chứng tương tự các bệnh lý khác, dễ gây nhầm lẫn như mất ngủ thường xuyên, buồn nôn, chóng mặt, giảm ham muốn tình dục, suy giảm trí nhớ, da dẻ nhăn nheo, ngực nhão và xệ, tóc mỏng, dễ gãy rụng, âm đạo khô rát gây đau khi quan hệ tình dục.
Để chẩn đoán suy buồng trứng, bác sĩ dựa vào kết quả xét nghiệm đo nồng độ hormone FSH (follicle-stimulating hormone) và khám lâm sàng, xem xét yếu tố khác như lối sống, bệnh sử, tiền sử gia đình...
Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn
Theo bác sĩ Quý chưa có phương pháp điều trị tình trạng suy buồng trứng, khôi phục hoạt động bình thường của buồng trứng hay làm ngưng quá trình lão hóa. Các phương pháp điều trị hiện nay như sử dụng liệu pháp hormone thay thế (HRT), bổ sung vitamin D và canxi chỉ giúp kiểm soát triệu chứng, hạn chế biến chứng. Do suy buồng trứng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe tổng thể nên bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên để phòng ngừa biến chứng liên quan đến xương, tim mạch, tuyến giáp và các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |