Ông Lâm được đặt stent động mạch liên thất trước vào tháng ba, bác sĩ khuyên tái khám định kỳ, uống thuốc đầy đủ, bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, ba tháng sau ông tự ý bỏ thuốc điều trị và hút thuốc lá trở lại. Tháng 11, ông đau nhói ngực khi vận động gắng sức, xoa ngực một lúc thì hết, sau đó đau nhiều hơn, hạn chế khả năng vận động, phải nhập viện cấp cứu.
Ngày 28/11, BS.CKI Huỳnh Phúc Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Lâm nhập viện trong tình trạng đau ngực từng cơn, khó thở, choáng váng - triệu chứng tương tự đợt nhồi máu cơ tim trước đó. Động mạch liên thất trước bị hẹp nặng ở vị trí trước và trong stent, đoạn đầu động mạch mũ xơ vữa nặng, chức năng co bóp của cơ tim (EF) suy giảm còn 30-35%, bình thường hơn 50%. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân khó thở, đau ngực, tiểu ít...
Bác sĩ Nguyên giải thích sau can thiệp tái tưới máu động mạch vành, bệnh nhân phải uống thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, thuốc hạ mỡ máu, thuốc ức chế men chuyển... để duy trì tình trạng thông suốt của mạch máu. Ông Lâm tự ý ngưng các thuốc này, nhất là trong 3-6 tháng đầu, tạo điều kiện tái tắc nghẽn động mạch vành sau can thiệp, gây thiếu máu cơ tim, dẫn đến biến chứng đau thắt ngực, hạn chế vận động do suy giảm chức năng tim.
Ông Lâm hút thuốc lá 30 năm nay là yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu, bệnh tim do thiếu máu cơ tim cục bộ, đồng thời làm tăng tính kết tập của tiểu cầu gây huyết khối cấp trong lòng động mạch vành.
Theo ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ca can thiệp này khó do đoạn thân chung (chỗ chia đôi động mạch liên thất trước và động mạch mũ) ngắn, khoảng 2 mm, trong khi người bình thường khoảng 10 mm. Hai nhánh mạch vành sau chỗ chia đều hẹp khít.
"Can thiệp tối ưu cả hai nhánh mạch vành cùng lúc ở bệnh nhân suy tim nặng là thách thức lớn", bác sĩ Minh nói, thêm rằng giải phẫu mạch vành phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật đặt stent phải phù hợp. Nếu tính toán sai, quá trình nong đặt stent dễ khiến bệnh nhân ngưng tim, rối loạn nhịp ngay trên bàn thủ thuật.
Êkíp quyết định luồn hai dây dẫn từ động mạch quay (ở cổ tay) đến thân chung động mạch vành trái xuyên qua hai chỗ hẹp khít, sau đó nong mở rộng hai chỗ hẹp khít cùng lúc để tái lưu thông tạm thời dòng chảy của hai nhánh mạch vành trái. Dưới hướng dẫn của siêu âm trong lòng mạch vành (IVUS), bác sĩ sử dụng kỹ thuật V stent, đưa cả hai stent vào cùng lúc để tái thông hai nhánh mạch vành, đồng thời tạo chỗ chia ngắn tại thân chung.
Ca thủ thuật diễn ra thành công, khơi thông dòng chảy cho mạch vành trái, hạn chế tình trạng thiếu máu cơ tim. Sau can thiệp, ông Lâm hết đau ngực, giảm khó thở, xuất viện sau 5 ngày. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần tuyệt đối bỏ hút thuốc lá.
Tái hẹp trong stent là tình trạng tắc nghẽn hoặc hẹp trở lại ở phần động mạch vành đã được nong trước đó bằng stent, thường xảy ra 3-6 tháng sau thủ thuật. Tỷ lệ cao hơn ở những người chỉ nong mạch vành mà không đặt stent, theo bác sĩ Nguyên.
Để phòng ngừa, bệnh nhân cần có lối sống lành mạnh như giảm lượng muối nạp vào, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, duy trì cân nặng thích hợp, vận động thể lực thường xuyên, kiểm soát tốt bệnh nền. Bệnh nhân tuân thủ điều trị tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |