"Đổi đời" - chị Nhung mô tả như thế về cuộc sống gia đình sau 7 năm thay đổi mô hình canh tác. Cuộc đời gắn liền với cây cà phê từ năm 1998, nhưng chị chỉ ước mong "đủ sống". Mọi chuyện dần thay đổi khi gia đình làm quen với nông nghiệp tái sinh. Vẫn là mảnh vườn đó nhưng năng suất tăng gấp hai lần, thu nhập cũng tăng nhờ áp dụng trồng xen canh hồ tiêu, sầu riêng. Căn nhà cấp bốn nay trở thành căn nhà ba tầng, chị còn sắm được ôtô, mở nhiều dự án kinh tế mới.
Tại thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, nhiều người gọi chị Mai Thị Nhung là người "mát tay" nhất vùng khi trồng cà phê.
Tốt nghiệp cấp 3, không có điều kiện học lên cao, chị từ bỏ ước mơ theo ngành sư phạm, lập gia đình khi vừa 20 tuổi. Gia đình chồng trồng cà phê, chị cũng bắt đầu học cách chọn giống, đào hố đất, thiết kế lô trồng...
"Chồng hướng dẫn gì thì mình làm theo, trồng cà phê như cách gia đình làm hàng chục năm", chị Nhung nhớ lại.
Hơn hai thập niên trước, chị chỉ mong thu hoạch cà phê mỗi năm đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Gia đình có 2 ha vườn cà phê nhưng năng suất kém, thu nhập gia đình không đủ trang trải cuộc sống.
Đến 2015, biết về dự án Nescafé Plan, chị hào hứng học cách trồng cà phê theo hướng nông nghiệp tái sinh: giảm chi phí đầu tư mà tăng năng suất.
Hai năm sau đó, chị mạnh tay cải tạo toàn bộ 2 ha: thay giống cũ sang giống mới có năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh. Bên cạnh đó, chị còn áp dụng phương pháp xen canh hợp lý, cứ ba hàng cà phê trồng xen một hàng hồ tiêu hay sầu riêng. Nhờ vậy, mỗi năm vườn thu hoạch 7 tấn cà phê nhân, 4 tấn hồ tiêu và 3 tấn sầu riêng, tương đương với nguồn thu khoảng 600 triệu đồng.
Với thu nhập từ nông sản, chị có tiền xây nhà mới trên mảnh đất hơn 400 m2 đang sống cùng bố mẹ chồng. Tại đây, chị đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà vào năm 2018. Đến nay, mỗi tháng chị có thêm khoảng 20 triệu từ bán điện năng lượng mặt trời.
Hoàn thành công trình điện, chị tiếp tục mua đất, xây thêm một ngôi nhà để nuôi yến, trồng cau. Với mức giá bán cau khoảng 90.000 đồng một kg như hiện tại, vườn cau có thể mang về cho gia đình chị cả tỷ đồng mỗi năm. Năm tới, chị sẽ thu hoạch mẻ yến đầu tiên.
Chị cho biết làm ba mùa cà phê là đủ tiền mua miếng đất thứ hai để làm nhà yến. Tuy nhiên, không đợi đủ tiền mới mua đất, làm nhà, mà sau một mùa thu hoạch, chị vay số tiền còn thiếu để đầu tư bởi không muốn mất cơ hội. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, chị mở cửa hàng bán phân bón ngay tại nhà, còn các khoản thu theo mùa từ nông sản, chị tích lũy để đầu tư. Nói về tương lai, đôi mắt chị lấp lánh, tiết lộ đang tích góp tài chính để xây khu nhà trọ cho công nhân.
Chị Nhung cho biết, tham gia dự án Nescafé Plan chính là bước ngoặt của gia đình và bản thân, về kinh tế lẫn tư duy. Việc thay đổi mô hình canh tác cà phê theo hướng nông nghiệp tái sinh đã giúp chị tiết kiệm được lượng nước - lượng điện dùng cho việc tưới tiêu, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng. Trong khi chi phí đầu tư giảm, sản lượng cà phê thu hoạch lại nhiều hơn, cộng thêm thu nhập từ cây trồng xen canh, từ đó thu nhập của gia đình chị cũng tăng lên đáng kể. Đặc biệt việc tiết kiệm công sức lao động nhờ phương thức canh tác mới giúp chị có thời gian làm thêm nhiều việc khác, từ kinh doanh thêm đến làm các công tác xã hội. Nói đến đây, chị tiết lộ đang giữ vai trò trưởng nhóm nông dân (gồm 87 người theo mô hình Nescafé Plan), học trung cấp kế toán và có thể sắp tới đi học thêm ngành Luật - giấc mơ thuở bé.
Cũng nhờ tham gia Nescafé Plan, chị được dự nhiều buổi tập huấn, có điều kiện giao lưu học hỏi với các nông dân, kỹ sư nông nghiệp và được đi du lịch nhiều tỉnh, như đến thăm nhà máy chế biến cà phê ở Trị An của Nestlé.... "Đi ra ngoài, mình nhìn thấy nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, vượt ra khỏi vườn cà phê", chị Nhung lý giải về việc lắp điện mặt trời mái nhà hay nuôi yến.
Cũng như chị Nhung, anh Dương Thanh Sâm (53 tuổi, thôn 10, cùng xã Ea Tiêu) khẳng định, chính phương pháp canh tác cà phê theo mô hình nông nghiệp tái sinh đã giúp cuộc sống gia đình anh thay đổi. Anh tham gia Nescafé Plan từ năm 2012, phát hiện các kỹ sư chia sẻ nhiều phương pháp trồng, chăm sóc cây mà anh chưa từng thực hiện. "Tôi mày mò làm theo, thấy hiệu quả nên tự nguyện xin gia nhập dự án", anh Sâm nhớ lại.
Anh ví dụ, thay vì tưới nước tràn lan sau mỗi dịp tết Nguyên đán (cũng là thời điểm Tây Nguyên bước vào mùa khô) để cà phê đơm bông, anh đã biết tưới lượng nước vừa đủ. Mẹo chôn lon sữa bò tại ngã tư giữa 4 cây cà phê giúp anh biết được lượng nước mà mỗi gốc cà phê hấp thụ được sau cơn mưa đổ xuống vườn. "Nếu nước đầy 2/3 ống bơ tức là một gốc cây có thể thu về 400 lít nước, đủ dùng trong 20 ngày không cần tưới. Nếu nước đầy 1/3, mỗi cây thu về 200 lít thì tôi chỉ cần tưới thêm mỗi cây 200 lít trong thời gian này", anh Sâm phân tích.
Theo anh, tưới thừa nước không chỉ lãng phí tài nguyên nước, tốn điện và công sức phục vụ việc tưới tiêu mà còn vô tình làm trôi lượng phân bón xuống tầng đất sâu hơn, khiến cây không hấp thụ được.
Áp dụng phương pháp canh tác mới, đồng thời tái canh vào năm 2014, từ năng suất cà phê nhân 2-2,5 tấn/ha, giờ đây anh Sâm thu hoạch đều đặn 3,5-4 tấn/ha. Theo tính toán của anh, phương pháp canh tác mới giúp anh giảm được lượng nước tưới tới 40%, lượng phân bón giảm 20%, số ngày công làm việc cũng giảm theo... Chi phí đầu tư giảm, năng suất thu hoạch tăng giúp anh tối ưu thu nhập.
Bố mẹ vốn là công nhân nông trường cà phê, anh phụ giúp bố mẹ trồng cà phê từ bé, và theo nghiệp trồng cà phê sau khi học xong cấp ba. Tuy nhiên, suốt thời gian khoảng năm 2000-2010, dù có 3,5 ha trồng cà phê, kinh tế gia đình anh chỉ ở mức bình thường, đủ nuôi con ăn học. Đi theo phương pháp làm nông nghiệp tái sinh, từ năm 2014, dù giảm diện tích vườn cà phê xuống còn khoảng 1,8 ha, thu nhập của anh tăng gấp đôi, sửa sang được nhà, sắm ôtô. Ba người con của anh, một đã có công việc ổn định, một đang du học Hàn Quốc, con út học cấp ba.
Với gần 2 ha vườn, mỗi năm gia đình anh thu hoạch khoảng 6,3 tấn cà phê nhân và 4 tấn hồ tiêu. Kinh tế ổn định, anh cũng trở thành trưởng nhóm nông dân trồng cà phê theo phương pháp mới, nên quyết định quay trở lại con đường học tập. Anh đã học xong trung cấp để nâng cao kiến thức và mong muốn có bằng đại học trước khi nghỉ hưu để cống hiến cho công cuộc trồng cà phê.
Chị Nguyễn Thị Lan (39 tuổi, thôn 11, xã Ea Tiêu) từng làm kế toán cho kho bạc cấp huyện nhưng quyết định nghỉ làm, chuyên tâm trồng cà phê và chăm lo gia đình tốt hơn. "Tôi đặt lên bàn cân, giữa lương đi làm chưa đến 10 triệu mỗi tháng, mất 8 tiếng công sở, không thể đưa đón con trong khi chồng lại công tác xa, với làm cà phê, có thời gian dành cho gia đình, nên quyết định nghỉ việc", chị Lan nhớ lại.
Chị đánh giá phương pháp canh tác cà phê theo hướng nông nghiệp tái sinh ngoài giúp người nông dân tăng thu nhập thì còn giúp họ nhàn hơn. Chị ví dụ, thời bố mẹ chị làm cà phê theo hướng cày sâu cuốc bẫm, luôn làm cỏ, dọn lá rồi phải kéo ra ngoài đốt. Chương trình Nescafé Plan hướng dẫn người trồng làm cỏ và để cành lá cây cà phê hay cây trồng chắn nắng chắn gió ngay trên nền đất dần phân hủy thành phân xanh hữu cơ, giúp tăng độ màu mỡ cho đất. Điều này vừa giảm ngày công làm việc, vừa giúp giảm chi phí phân bón. Chị ước tính các thực hành của nông nghiệp tái sinh giúp chị tiết kiệm được 30% chi phí đầu tư so với cách làm trước đây của bố mẹ. Ngoài ra, ứng dụng nhật ký nông hộ cài sẵn trên điện thoại cũng giúp chị dễ dàng cập nhật các kiến thức canh tác, quản lý chi phí đầu vào, tính được thu nhập từ một mùa gieo trồng.
Bố mẹ chị Lan theo dự án Nescafé Plan từ năm 2012. Sau khi ông bà chia đất cho các con vào năm 2015, chị em chị lại tiếp tục trở thành nông hộ của dự án. Vì canh tác "nhà" nên các em của chị dù người kinh doanh tại thành phố Buôn Ma Thuột, người làm trong ngành y vẫn không bỏ cà phê.
Nhờ chương trình Nescafé Plan, kinh tế gia đình chị ngày càng khởi sắc. Không chỉ vậy, thay vì làm quần quật, giờ đây chị có thời gian chăm sóc gia đình. Hè, Tết, chị đưa con đi du lịch, về quê. Để phục vụ cho việc "đi chơi", gia đình chị cũng đã sắm một chiếc ôtô.
Đã có thời gian dài đồng hành cùng chị Nhung, anh Sâm và chị Lan, anh Nguyễn Hữu Thông, kỹ sư nông nghiệp của Công ty Nestlé Việt Nam, phụ trách chương trình Nescafé Plan tại tỉnh Đăk Lăk đánh giá cao tinh thần làm việc của các nông dân. "Họ rất nhiệt tình, có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Họ cũng lan tỏa cách thức làm việc của mình nhiều cho nhiều nông dân khác trong cộng đồng như người thân, hàng xóm", anh Thông cho biết. Chính chị Nhung cũng chia sẻ, trước đây, chị học theo cách trồng cà phê của chồng, nhưng đến giờ, sau khi chị được tập huấn với dự án Nescafé Plan, chồng lại học theo cách của chị.
Để nông dân học hỏi lẫn nhau, lan tỏa cách thực hành nông nghiệp tái sinh cũng chính là một trong những cách thức hoạt động của Nescafé Plan. Đây vốn là một sáng kiến toàn cầu được tập đoàn Nestlé triển khai từ năm 2010 tại hơn 10 quốc gia thuộc các khu vực trồng cà phê trọng điểm trên thế giới, với mục tiêu mang lại những giá trị bền vững cho người nông dân trồng cà phê, cho cộng đồng và cho hành tinh.
Tại Việt Nam, chương trình được triển khai từ năm 2011 ở khu vực Tây Nguyên, trên cơ sở hợp tác đa bên giữa Nestlé với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Tây Nguyên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây nguyên (WASI). Chương trình đồng hành nông dân trồng cà phê thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp tái sinh, với ba yếu tố nổi bật: bảo tồn đất và sức khỏe của đất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tính đa dạng sinh học.
Song song đó, chương trình cũng chú trọng cải tiến và đổi mới hoạt động canh tác cà phê thông qua nghiên cứu và phát triển các giống cà phê cho năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh, kháng hạn. Theo đánh giá của đơn vị triển khai, nhờ áp dụng các mô hình xen canh hợp lý và tiết kiệm các chi phí trong canh tác cà phê, nông dân tham gia Nescafé Plan tăng 30-150% thu nhập. Tính đến nay, chương trình đã giúp kết nối và hỗ trợ hơn 21.000 nông hộ tiếp cận và thực hiện canh tác theo bộ tiêu chí 4C. Chương trình cũng góp phần tái canh hơn 74.000 ha diện tích cà phê già cỗi.
Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Đăk Lăk, Nescafé Plan là một chương trình nâng cao vai trò của người nông dân trong sản xuất thực hành nông nghiệp tốt. Tại đây, người nông dân được giao lưu học hỏi với nhau. Ông nhận xét, cuộc sống của người dân trồng cà phê đã thay đổi nhiều, như sức khỏe được cải thiện, hiệu quả kinh tế được nâng cao nhờ giảm chi phí vật tư đầu vào và tăng năng suất.
Nội dung: Kim Anh | Ảnh: Nestlé | Thiết kế: Đan Thanh