Thông báo đưa ra hôm 31/10 cho thấy Toyota đang tăng tốc trong nỗ lực điện hóa dòng sản phẩm. Hãng Nhật - với kế hoạch có các tùy chọn điện hóa ở mọi mẫu xe bán ra đến hết 2025 - cũng cho biết sẽ đưa tổng đầu tư theo kế hoạch lên mức 13,9 tỷ USD và số việc làm là hơn 5.000.
Lúc này, các hãng xe truyền thống như Ford và General Motors (GM) vẫn đang chạy đua trong xu thế điện hóa nhằm thu hẹp khoảng cách với những đối thủ đang dẫn đầu như Tesla. Việc thu hẹp các kế hoạch đầu tư của cả hai vừa qua chủ yếu liên quan tới những thỏa thuận hợp đồng đắt đỏ với công đoàn United Auto Workers (UAW).
Không giống các đối thủ trên toàn cầu, từ đầu, Toyota đã đặt cược vào các mẫu xe hybrid và chạy pin nhiên liệu hydro thay vì thuần điện. Nhưng năm nay, hãng xe hàng đầu thế giới đã công bố một điểm mấu chốt, với những kế hoạch thương mại hóa pin xe điện và ứng dụng công nghệ đúc khuôn mà Tesla vốn đi đầu.
Những hãng khác, như Samsung, Panasonic và Stellantis cũng có kế hoạch đặt nền móng ở Mỹ để phát triển các nhà máy pin.
Nhà máy của Toyota ở North Carolina dự kiến bắt đầu hoạt động trong 2025 và sẽ là nhà máy pin dành cho ôtô đầu tiên của hãng trên thế giới. Nơi đây sẽ có 6 dây chuyền sản xuất pin, với 4 để hỗ trợ xe hybrid, như Prius, và hai dành cho xe thuần điện.
North Carolina đang trở thành trung tâm hàng đầu cho việc sản xuất pin và xe điện, với những khoản đầu tư mới từ các hãng, từ Redwood Materials (một công ty khởi nghiệp tái chế pin) cho đến VinFast của Việt Nam.
Tuần qua, hãng pin Ấn Độ Epsilon Advanced Materials (EAM) thông báo kế hoạch mở cửa nhà máy pin 650 triệu USD vào 2026, là nơi có thể cung ứng cho 1,1 triệu xe điện tại Mỹ.
Mỹ Anh (theo Reuters)