Trong tháng 5, Mazda CX-5 vẫn giữ ngôi vị đầu bảng CUV cỡ C, gia tăng cách biệt về doanh số với hai mẫu xe đứng dưới là Honda CR-V và Ford Territory. Cụ thể, có 892 chiếc CX-5 giao đến khách hàng, nhỉnh hơn tháng trước gần 100 xe, hơn 60% so với Territory xếp thứ 2, và gần gấp 3 lần CR-V xếp thứ 3. Hyundai Tucson bán ra hơn 400 chiếc. Các xe còn lại là Kia Sportage, Mitsubishi Outlander bán hơn 100 chiếc.
Xét về lũy kế sau 5 tháng đầu năm, CX-5 đang chiếm thế độc tôn với hơn 4.000 chiếc đã giao đến khách hàng, tương đương 40% thị phần, mức này xấp xỉ gấp đôi so với vị trí thứ 2 và 3. CR-V trong tháng 5 bị tụt hạng, bán ít hơn Territory, điều này khiến hãng Mỹ vươn lên vị trí thứ 2 doanh số trong cả tháng 5 và lũy kế 5 tháng. Cả CR-V và Territory đang chiếm khoảng 20% thị phần.
Ở tốp dưới, Tucson bán ra hơn 1.500 chiếc sau 5 tháng đầu năm, tương đương 15% thị phần. Sportage và Outlander bán chưa quá 1.000 chiếc. Thế hệ mới của Tucson lẫn Sportage kể từ khi bước sang thế hệ mới đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng Việt, vì ngoại hình nhiều đường nét cắt xẻ táo bạo, không phù hợp với với số đông, mặc dù cả hai mẫu xe đều được trang bị các tiện nghi, công nghệ an toàn bậc nhất phân khúc.
Outlander được lắp ráp trong nước, nhưng chưa được nâng cấp phiên bản mới trong nhiều năm qua. Xe luôn nằm trong top bán chậm nhất phân khúc, với doanh số 5 tháng đầu năm gần 400 xe, tương đương 4% tổng thị phần.
Doanh số của phân khúc CUV cỡ C, cũng như các phân khúc khác trong tháng 5 không có sự đột phá đến từ việc người dân tạm ngưng mua xe để chờ tin tức về mức giảm lệ phí trước bạ cho các xe lắp ráp trong nước. Trước đó đã có thông tin Chính phủ sẽ giảm lệ phí trước bạ cho nửa cuối 2024, nhưng chưa công bố thời điểm cũng như mức giảm cụ thể. Trong những lần giảm trước, mức này là 50%.
Phân khúc CUV cỡ C còn nhiều sản phẩm khác như MG MG5, Subaru Forester, Volkswagen Tiguan, Haval H6, VinFast VF 7..., nhưng các hãng phân phối không công bố số liệu bán hàng.
Hồ Tân