Thứ bảy, 23/11/2024
Thứ sáu, 22/11/2024, 10:21 (GMT+7)

Muôn kiểu độ VinFast VF 3 tại Việt Nam

Khoảng 20 chiếc VF 3 quy tụ tại sự kiện ở Hưng Yên, có chiếc được độ với số tiền lên tới nửa tỷ đồng.

Sau gần 3 ngày mở bán vào tháng 5 năm nay, VinFast công bố có hơn 27.000 đơn đặt hàng mua VF 3. Vào tháng 10, hãng đã giao 5.000 xe, tạo cơn sốt đối với một mẫu xe điện cỡ nhỏ tại thị trường Việt.

Tuy nhiên, VF 3 nguyên bản chỉ trang bị ở mức cơ bản, do đó nhiều nhà xưởng tại Việt Nam mua VF 3 để nghiên cứu, thử nghiệm, lắp thêm những món đồ tiện ích, độc đáo nhưng vẫn đảm bảo kỹ thuật.

Trong khuôn khổ sự kiện VinFast VF 3 tại Hưng Yên, hàng chục chiếc VF 3 đủ các sắc màu của các xưởng độ tập trung với mục đích giới thiệu sự sáng tạo cũng như những giải pháp công nghệ còn thiếu đối với mẫu xe này.

Một chiếc VF 3 màu xanh dán film PPF bảo vệ xung quanh xe, đèn pha có thêm đèn LED ban ngày, cùng 4 bóng LED gầm mỗi bên. Mặt ca-lăng được cá nhân hóa theo tên của xưởng độ. Xe thay la-zăng với phần ốp mạ crôm.

Phần hông xe lắp thêm thùng đồ và thang gấp gọn giống mẫu Land Rover Defender. Cụm đèn hậu cũng được thiết kế riêng, sử dụng đèn LED thay cho đèn halogen. Thêm hai ống xả giả để trang trí. Theo xưởng độ, VF 3 còn có thể lắp thêm loa ở gầm, kết nối với ứng dụng giúp khách hàng chọn âm thanh giống với xe xăng, hoặc âm thanh tùy thích có sẵn.

Nội thất bọc lại da màu xanh giống ngoại thất, các miếng nhựa ở cửa gió điều hòa, táp-lô cùng tông màu. Trần xe được đục các lỗ để làm trần sao. Vô-lăng bọc da, ốp carbon và làm vát hai đầu tạo cảm giác thể thao. Xe được độ thêm hệ thống loa, bổ sung loa bass ở dưới bảng điều khiển trung tâm, loa cửa và loa cột A.

Điểm nhấn là hệ thống camera 360 lắp thêm, có camera cập lề, camera lùi. Camera lùi theo hãng có mức giá khoảng 1,7 triệu đồng, tuy nhiên khách hàng phải đưa xe vào xưởng chính hãng để mở khóa tính năng ẩn. Trong khi hệ thống camera 360 lắp ngoài có giá gần 12 triệu đồng nhưng không cần mở khóa.

Màn hình sau vô-lăng kích thước 7 inch giá 9 triệu đồng. Màn hình có độ phân giải full HD có tần số quét 60Hz, dữ liệu được lấy thông qua giắc cắm HMU. Hệ thống hiển thị đầy đủ thông tin xe, trạng thái pin, quãng đường di chuyển, đèn, áp suất lốp, chế độ lái. Các thợ Việt quét 3D chiếc xe để đưa vào màn hình, do đó hệ thống hiển thị chính xác giao diện xe cũng như có thể đổi màu sắc theo ý muốn.

Bề tì tay tích hợp yên ngựa giá 2,5 triệu đồng, tích hợp hộc để cốc, sạc không dây, sạc USB Type A, Type C, được gia công theo thiết kế VF 3, tạo cảm giác liền mạch.

Nữ chủ nhân của chiếc VF 3 lắp thêm nhiều món đồ cho chiếc xe hưng với công năng đủ dùng, đèn pha có mí LED, xi-nhan đuổi, cùng một bi-LED, tích hợp màn hình TFT có thể tùy chỉnh trên ứng dụng. Mặt ca-lăng với logo và miếng crôm được sơn hồng giống với ngoại thất. Nóc xe dán đen, thân xe dán decal in chìm dưới lớp nilon bảo vệ, la-zăng giống phiên bản thử nghiệm được sơn trắng với viền mạ crôm.

Nội thất cũng được bọc lại với da hai tông màu hồng/trắng kem, lắp thêm camera 360, gương chiếu hậu tích hợp camera, camera hành trình trước/sau.

Chiếc VF 3 dán decal theo phong cách thời trang Bape (Nhật Bản). Xe lắp thêm giá nóc, cùng với bộ la-zăng 6 chấu giống mẫu TE37 của hãng vành Rays (Nhật Bản), cùm phanh sơn hồng đậm. Theo một số nhà phân phối, bộ la-zăng kiểu TE37 kích thước 17 inch trên VF 3 có giá khoảng 10 triệu đồng bao gồm cả lốp.

Ghế của VF 3 cũng được độ chỉnh điện thay vì chỉnh cơ nguyên bản, khả năng chỉnh 6 hoặc 10 hướng tùy loại. Thậm chí ghế có thêm chức năng sưởi/làm mát, với vị trí nút chỉnh có thể đặt cạnh nút chỉnh ghế hoặc trên táp-pi cửa. Mức giá của bộ chỉnh điện cho ghế VF 3 giao động 6-7 triệu đồng.

Một chiếc VF 3 đi từ Đà Nẵng ra Hưng Yên để tham gia sự kiện. Xe đã được bỏ hàng ghế thứ hai để lắp hệ thống phuộc hơi có giá gần 200 triệu, kèm với bộ phuộc giá 100 triệu đồng. Bộ phuộc hơi có thể giúp nâng/hạ gầm trong khoảng 3 giây thông qua một điều khiển cầm tay, với gầm xe nâng cao thêm 20 cm. Hệ thống còn có thể nâng/hạ gầm theo từng bánh xe.

Chiếc VF 3 đắt nhất tại sự kiện, với biển số đấu giá lên tới 1,4 tỷ đồng. Tổng chi phí cả biển và xe gần 1,7 tỷ đồng chưa bao gồm các món đồ nâng cấp.

Nắp capô của VF 3 không thể mở như thông thường. Người dùng muốn mở phải dùng dụng cụ có lưỡi phẳng để cạy góc ốp bảo vệ, sau đó dùng cờlê chữ T để vặn bu-lông cố định và kéo nắp capô về phía trước.

Do đó một xưởng độ đang nghiên cứu bản lề điện của nắp capô VF 3. Xưởng này cho biết bản lề đang trong quá trình thử nghiệm, chưa hoàn thiện. Nếu hoàn thiện, VF 3 sẽ có thêm không gian chứa đồ phía trước.

Minh Quân