Tại Mazda, hãng coi rằng nghệ thuật bắt nguồn từ đôi bàn tay của những Takumi (nghệ nhân) và đất sét đóng vai trò kiến tạo "linh hồn" cho các mẫu xe. Trong quy trình sản xuất của hãng Nhật Bản, khi các Takumi thực hiện công việc trên tạo hình xe bằng đất sét, họ sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của những đường nét, từ đó dần hoàn thiện các chi tiết đến khi đạt độ hoàn hảo trong thiết kế.
Mazda cũng là một trong những thương hiệu gắn bó lâu đời với tạo hình đất sét thủ công. Ở Mazda3 thế hệ mới, các nghệ nhân của hãng tạo ra hơn 30 mô hình đất sét trước khi thiết kế cuối cùng được lựa chọn để đưa vào sản xuất. "Mỗi nghệ nhân đều có khả năng tạo mẫu vật với các chi tiết có độ dày chưa đến 1 mm. Khi thiết kế từng phần, chúng tôi luôn chắc chắn toàn bộ chi tiết sẽ phải thật hòa hợp cùng nhau", một nghệ nhân tại Mazda nói.
Để hình thành một chế tác bằng đất sét, mục tiêu đầu tiên của họ là tái tạo lại các bước chuyển động của ánh sáng. Từ đây các nghệ nhân có thể chạm, cảm nhận và nhìn thấy sự chuyển động của ánh sáng trên bề mặt, khiến quy trình chế tạo xe này trở thành một hình thức nghệ thuật tại Mazda.
"Tinh thần làm việc tập thể cũng được Mazda đề cao trong quá trình hình thành các chế tác. Các nhà thiết kế và các nghệ nhân tạo hình đất sét luôn trao đổi ý tưởng, thậm chí đôi lúc xung đột với nhau", đại diện hãng nói. "Nhưng chính văn hoá làm việc cởi mở này đã nuôi dưỡng sự sáng tạo, làm trọn vẹn hơn tinh thần thiết kế xe là nghệ thuật".
Việc sử dụng các Takumi tạo hình thủ công từ đất sét là một trong những điểm khác biệt của Mazda so với các hãng xe trên thị trường. Hãng này chú trọng sự kết nối giữa xe và người sử dụng, qua đó truyền tải trải nghiệm và cảm xúc hứng khởi khi cầm lái.
Nhờ vào những tiêu chí trên, hãng Nhật khẳng định việc chế tác bằng đất sét sẽ không bao giờ biến mất, ít nhất là tại phòng thiết kế của Mazda.
Tuấn Vũ