Đâm "dồn toa" (liên hoàn) là tai nạn không hiếm vào những ngày lễ, Tết bởi lưu lượng phương tiện tăng đột biến, đặc biệt trên đường cao tốc. Tài xế cần nhớ một số kỹ năng để không tự đặt mình vào tình huống rủi ro, hoặc tránh đâm va khi bị động lọt vào giữa đám đông.
Điều quan trọng trước tiên là giữ khoảng cách an toàn. Khoảng cách này không những cần đảm bảo theo luật, mà còn phụ thuộc vào điều kiện mặt đường, thời tiết. Nếu khó ước lượng khoảng cách, tài xế có thể sử dụng quy tắc 3 giây. Tài xế cố định một mốc trên đường mà xe trước vừa đi qua, đếm 1-2-3 giây, đến 3 mà xe chạm mốc hoặc chưa chạm tức an toàn, ngược lại nếu vượt qua mốc là khoảng cách đang khá gần.
Khoảng cách an toàn giữa các xe theo Thông tư 31/2019 của Bộ Giao thông Vận tải:
Tốc độ lưu hành (km/h) | Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) |
Dưới 60 | 35 |
60-80 | 55 |
80-100 | 70 |
100-120 | 100 |
(Dưới 60 km/h, tức trong khu dân cư, tài xế chủ động khoảng cách phù hợp)
Nếu thấy đoàn xe phía trước giảm tốc độ, tài xế không nên phanh đột ngột, mà thay vào đó nhả chân ga, sau đó phanh theo lực tăng dần. Một cách khác là có thể chuyển làn khi xe phía trước phanh đột ngột, với điều kiện là làn bên cạnh trống xe, không có xe đang vượt hoặc vật cản, khi vượt phải dứt khoát, bật đèn xi-nhan xin đường trước đó.
Tài xế không được "điền vào chỗ trống", tức đi vào khoảng cách an toàn giữa hai xe, vì điều này có thể khiến xe phía sau không kịp điều chỉnh tốc độ, xảy ra tai nạn. Nếu tài xế đang giữ khoảng cách mà bị xe khác chen vào giữa, tốt nhất nên giảm tốc độ, chuyển làn.
Khi đi trên cao tốc, tài xế cần chú ý lối ra, vào. Đối với lối ra, phải bật xi-nhan, giảm tốc độ và tách làn khi đã an toàn. Nếu đã đi quá, không phanh gấp để quay ngang hay đi lùi, mà đợi tới lối ra tiếp theo. Với lối vào, cần xi-nhan, tăng tốc độ bằng với các phương tiện đang lưu thông trên đường, sau đó mới tiến hành nhập làn khi đã đủ các điều kiện an toàn.
Trong trường hợp không may bị tai nạn dồn toa, những người ngồi trong xe không nên thoát ra ngoài ngay, vì có thể các xe phía sau tránh tai nạn, đánh lái về hai bên với tốc độ cao gây thêm tai nạn không mong muốn. Chỉ rời khỏi xe khi không còn xe va chạm, các xe trên đường đã chú ý để giảm tốc độ. Tiếp theo bật đèn khẩn cấp (hazard) để báo hiệu. Khi đã ra khỏi xe, cần đứng sát về bên đường và chờ lực lượng chức năng/bảo hiểm đến hiện trường để làm việc. Có thể thu thập chi tiết, biển số xe, hình ảnh, video để phục vụ việc xác định lỗi, nguyên nhân dễ dàng hơn.
Về phương tiện, tài xế nên kiểm tra lốp, phanh thường xuyên vì đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giảm tốc của xe. Lốp hoặc phanh quá mòn khiến quãng đường phanh dài hơn, dễ gây ra tai nạn.
Các ôtô hiện nay cũng đã trang bị nhiều công nghệ mới để giúp hạn chế tai nạn dồn toa, ví dụ ga hành trình thích ứng, giúp giữ tốc độ và khoảng cách theo xe phía trước, hoặc chế độ giữ làn, phanh khẩn cấp tự động. Bên cạnh đó, những ứng dụng bản đồ cũng trang bị tính năng theo dõi giao thông trong thời gian thực, giúp tài xế dễ dàng xác định đoạn đường đông xe, nhằm điều chỉnh tốc độ cho hợp lý.
Phạm Hải