Hiện nay hầu hết các loại xe máy điện đều có thể hoạt động tốt dưới mưa hoặc đường ngập, với điều kiện là nhà sản xuất có đề cập rõ đến chỉ số kháng nước (IP) của các thành phần, linh kiện của xe như động cơ hoặc khối pin, và thông tin này thường được ghi trong sổ hướng dẫn sử dụng, hoặc trên website của nhà sản xuất.
Tuy vậy, điều này không có nghĩa là xe điện tuyệt đối "thần thánh" khi trời mưa, lụt. Dưới đây là những hiểu lầm về xe máy điện khi di chuyển ngập nước.
Xe điện an toàn tuyệt đối khi lội nước?
Với ưu điểm so với xe xăng là không có động cơ, họng gió để hút khí và ống xả để thải khí, xe điện có khả năng lội nước hiệu quả hơn. Tuy nhiên, xe máy điện chỉ chịu được nước trong thời gian nhất định, không phải "bơi" trong nước cả ngày như thuyền.
Mức kháng nước trên các xe máy điện là khác nhau, ví dụ các xe máy điện VinFast có chuẩn chuẩn kháng nước IP67 sẽ có thể hoạt động ở mức ngập nước 0,5 m trong thời gian 30 phút liên tục, những mẫu xe máy điện của hãng Yadea có chuẩn IPX8 sẽ hoạt động tốt ở mức ngập 1 mét trong 30 phút liên tục. Đây là các con số công bố của nhà sản xuất, vì vậy người dùng nên chủ động "trừ hao", tức đi ở mức ngập thấp hơn, trong thời gian ngắn hơn.
Ngoài ra, theo thời gian sử dụng, không loại trừ khả năng xe bị hở gioăng, thấm nước một bộ phận nào đó, do hao mòn theo thời gian, lỗi của xe hoặc lỗi của người dùng. Vì vậy, chỉ thực sự lội nước cao khi hết phương án, dưới 30 phút.
Xe máy điện nặng nên đầm hơn?
Khối lượng pin có thể giúp xe điện nặng hơn đôi chút so với xe xăng, nhưng điều đó không có nghĩa xe sẽ đầm, bám đường hơn khi trời mưa. Người lái xe vẫn phải cẩn trọng khi đi qua các cung đường ngập, vì dòng nước vẫn có thể làm xe chao đảo, khiến xảy ra tai nạn.
Đối với một số loại xe điện có thể lái xe khi nước ngập ngang bánh, tuy nhiên độ bám của lốp xe khi đi qua các con đường ngập bị giảm mạnh. Lúc này, cách an toàn nhất là giảm sức mạnh của xe máy điện bằng cách giảm ga, đi chậm, đều hoặc chuyển về chế độ "Eco" để giảm sức mạnh của động cơ truyền xuống bánh xe, qua đó giảm hiện tượng trượt bánh và tăng độ bám đường. Hơn nữa, khi lội nước hiệu quả của phanh giảm, do đó nên duy trì khoảng cách xa hơn với các phương tiện phía trước.
Đi xe điện không cần lau khô sau lội nước?
Sau khi đi mưa, lội nước, chủ xe nên hong khô và loại bỏ hết nước tồn đọng ở trên xe nếu có, bằng cách dựng chân chống đứng và nghiêng xe cho đến khi nước thoát hết ra ngoài. Có thể dùng khăn khô để thấm sạch nước các bộ phận quan trọng như động cơ (nếu xe trang bị động cơ ở bánh sau) hoặc khối pin.
Nên đỗ xe ở khu vực khô ráo, có không khí lưu thông để giúp xe khô nhanh. Không để xe bị ẩm ướt trong thời gian dài, vì có thể tăng tốc hiện tượng gỉ sét ở những chi tiết kim loại.
Sạc điện ngay sau khi đi mưa?
Khi xe mới lội nước về, không nên sạc xe ngay. Thay vào đó nên đợi cho xe khô khoảng vài giờ rồi mới sạc. Nếu cần sạc gấp, cần đảm bảo bộ sạc, mối nối, dây sạc phải khô hoàn toàn trước khi sạc, lưu ý nên che chắn bộ sạc nếu có nước từ xe chảy xuống, có thể làm hư hỏng bộ sạc hoặc gây chập điện.
Lưu ý rằng đa số các loại xe đạp điện cỡ nhỏ (loại có bàn đạp xe đạp) không có khả năng kháng nước cao như các xe máy điện khác, do đó không nên sử dụng khi trời mưa to hoặc đường ngập nước.
Hồ Tân