Khi bước vào một tiệm cắt tóc ở Stagaya, Tokyo, khách hàng có ba lựa chọn: nói chuyện bình thường, nói ít và im lặng. Sau phần tư vấn và chọn dịch vụ, trải nghiệm im lặng bắt đầu.
10 năm trước, anh Takahiro Noguchi, chủ tiệm cắt tóc này, bắt đầu giới thiệu dịch vụ "kaiwa nashi", tiếng Nhật nghĩa là "không nói chuyện".
Ban đầu, anh nghĩ nó chỉ phục vụ người hướng nội và giao tiếp kém. Nhưng qua nhiều năm, anh hiểu có những khách hàng đơn giản chỉ muốn có một ngày tĩnh lặng.
Hiện nay, khoảng 60% khách hàng của anh Noguchi chọn im lặng hoàn toàn hoặc nói ít, khi đặt lịch trực tuyến. Họ hầu hết trong độ tuổi 20 và 30.
Trong lúc im lặng, họ dùng điện thoại, làm việc trên máy tính xách tay, đeo tai nghe, đọc sách, nhìn vào gương hoặc chỉ lắng nghe tiếng kéo cắt.
"Có những ngày tôi không nói gì cả", Noguchi, 42 tuổi, nói. Anh dùng ngôn ngữ cơ thể và các dấu hiệu phi ngôn ngữ để diễn đạt và hiểu ý khách. "Dẫu vậy, tôi thấy mệt, thấy thời gian trôi qua chậm khi không được nói chuyện", anh nói.
Trong một khảo sát do Hot Pepper Beauty Academy, thuộc công ty công nghệ toàn cầu Nhật Bản Recruit Group, thực hiện vào tháng 4, gần 53% trong số 2.000 người tuổi từ 20-49 thường xuyên đến salon, thích im lặng hơn nói chuyện. 43,5% cho biết họ ghét nói chuyện vì thấy bị gượng ép.
Cả nam và nữ đều cho rằng công việc và học hành là những chủ đề tồi tệ nhất để trò chuyện tại salon tóc. Cuộc sống tình cảm, hôn nhân, gia đình và kế hoạch kỳ nghỉ cũng nằm trong top 5 chủ đề đáng sợ nhất.
Trong khi đó, hơn 34% nam giới cho biết họ thích nói về sở thích như thể thao và truyện tranh manga. Khoảng 51,5% nữ giới không ngại thảo luận về mối quan tâm với tóc của họ.
Yohei Hirai, một giáo viên âm nhạc bán thời gian, 32 tuổi, ở Tokyo nhận mình hướng nội, cho biết sẽ nghĩ đến ra khỏi nhà nếu có thể cắt tóc, mua sắm và làm các việc vặt khác mà không cần nói chuyện.
"Giao tiếp xã hội liên tục như cực hình với chúng tôi, những người hướng nội. Tôi không thích ở gần người khác. Tôi không biết về những dịch vụ im lặng này nhưng nó nghe có vẻ rất hấp dẫn", anh nói.
Anh cho rằng đây là cách kinh doanh thông minh, vì rất nhiều người giống mình, thấy lạc lõng trong thế giới được thiết kế cho người hướng ngoại.
Khi ngày càng nhiều người thích yên tĩnh, không nói chuyện đang trở thành một chiến lược doanh số. Nó đang lan sang các lĩnh vực dịch vụ khác ngoài tóc và làm đẹp.
Công ty bán lẻ thời trang Urban Research ở Osaka tin mua sắm nên là một trải nghiệm thú vị và không căng thẳng. Họ để người đến mua hàng tiềm năng tự xem xét và quyết định theo tốc độ riêng.
Khi bước vào một trong 10 cửa hàng của họ, bạn nhìn thấy hai loại túi, một trong suốt và loại màu xanh. Túi màu xanh gửi tín hiệu bạn không cần giúp đỡ hay tư vấn. Theo Kazuhisa Abe, một quản lý doanh số của công ty, gần 1 trong 10 khách hàng sử dụng túi màu xanh. Họ phản hồi tích cực về điều này.
Ở Nhật cũng có chuỗi nhà hàng ăn trong im lặng tên Karu Sushi. Khách tự tải ứng dụng đặt bàn. Khi đến nơi, họ dùng máy tự động check-in, tự ngồi vào chỗ và đặt món, tính đĩa và thanh toán trên điện thoại.
Ban đầu, họ thực hiện cách thức này nhằm tiết kiệm lao động và giãn cách xã hội. Nhưng khách hàng nhận mình nhút nhát, lo lắng và hướng nội đã khen ngợi sáng kiến này trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, không phải mọi dịch vụ im lặng đều chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Nhật Bản.
Năm 2018, nhà điều hành taxi Sanwa Koutsu, trụ sở tại Yokohama, ra mắt dịch vụ Kuroko Taxi. Dịch vụ này đưa hành khách đi trong im lặng hoàn toàn. Tài xế mặc đồ đen từ đầu đến chân, thậm chí đeo mặt nạ trùm kín đầu. Nếu cần giao tiếp, tài xế sử dụng kết hợp các tin nhắn viết, cử chỉ và google dịch.
Khách sử dụng dịch vụ phải trả thêm 5.500 yen (38 USD) ngoài cước thông thường. Dù gây chú ý trên truyền thông, nhưng dịch vụ này chưa nhận được đơn đặt hàng nào.
"Tôi đoán nó không phải điều thế giới cần lúc này", Takumi Mizushina, nhân viên quan hệ công chúng của dịch vụ Kuroko Taxi, nói.
Nhật Minh (Theo Japan Times)