"Cho dù Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) có ẩn ý gì đi chăng nữa, cũng không có bất cứ sự tương đồng nào giữa Israel với Hamas", Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/11 cho hay, sau khi ICC phát lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant và chỉ huy cánh vũ trang Hamas Mohammed Deif vì "các tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh" ở Dải Gaza.
Theo ông Biden, việc ICC phát lệnh bắt lãnh đạo Israel là "sự xúc phạm". "Chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng Israel chống lại các mối đe dọa an ninh đối với đất nước này", Tổng thống Mỹ nêu thêm.
Nhà Trắng trước đó cũng ra tuyên bố bác bỏ động thái của ICC. "Chúng tôi vẫn rất quan ngại về việc công tố viên vội vã xin lệnh bắt và những sai sót đáng lo ngại trong quy trình đưa đến quyết định đó. Mỹ đã nói rõ ICC không có thẩm quyền đối với vấn đề này", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho hay.
Tuyên bố của Nhà Trắng không đề cập việc ICC cũng phát lệnh bắt chỉ huy cánh vũ trang Hamas Mohammed Deif. Israel tuyên bố Deif đã thiệt mạng trong cuộc không kích ở Gaza hồi tháng 7, song Hamas chưa xác nhận thông tin này.
Mike Waltz, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử làm cố vấn an ninh quốc gia, lên tiếng bênh vực Israel và cam kết sẽ "phản ứng mạnh mẽ với thành kiến bài Do Thái của ICC và Liên Hợp Quốc" sau khi nhậm chức vào tháng 1/2025.
"ICC không được tín nhiệm và những cáo buộc này đã bị chính phủ Mỹ bác bỏ", ông Waltz đăng trên X.
Một số thành viên đảng Cộng hòa kêu gọi Thượng viện trừng phạt ICC, trong đó có thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đồng minh của ông Trump. Hạ viện Mỹ hồi tháng 6 thông qua dự luật nhằm áp lệnh trừng phạt với quan chức ICC, nhưng chưa được Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát xem xét.
"Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer phải thông qua luật lưỡng đảng để trừng phạt ICC vì những hành động thái quá như vậy và Tổng thống Biden cần phải ký ban hành luật này", ông Graham đăng trên mạng xã hội.
Mỹ và Israel đều không phải thành viên ICC và không công nhận quyền tài phán của tòa này.
ICC được thành lập năm 2002, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Đây là tòa án thường trực để truy tố cá nhân phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Israel không tham gia Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC, do đó không công nhận thẩm quyền của tòa.
Theo quy định, các nước thành viên ICC có nghĩa vụ bắt nếu ông Netanyahu, ông Gallant và Deif tới lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, động thái của ICC chủ yếu mang tính biểu tượng, vì quan chức bị phát lệnh bắt thường tránh đến những nước này. ICC cũng không thể tiến hành xét xử vắng mặt.
Huyền Lê (Theo AFP, Times of Israel, Al Jazeera)