Mới đây, tỷ phú Elon Musk - vốn ủng hộ ông Biden và hoài nghi ông Trump - đã đổi phe, chuyển sang ủng hộ ông Trump. Nhưng ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump cho thấy rằng sự ghét bỏ của ông đối với dòng xe điện vẫn không thay đổi so với trước đây.
"Elon Musk ủng hộ tôi và ông ấy là một người bạn của tôi. Nhưng tôi chống lại bất cứ ai có một chiếc xe điện", ông Trump nói trong khi phát biểu tại sự kiện ở Chicago hôm 31/7, theo Reuters.
Ông Trump từng nói xe điện sẽ "giết" ngành công nghiệp ôtô Mỹ và gọi đó là một "cuộc ám sát" việc làm. Ông cho rằng xe điện không đi được xa và quá đắt đỏ.
Tuy nhiên, vài tháng qua, ông Trump tỏ ra nhẹ nhàng hơn với xe điện. Hôm 20/7, ông phát biểu tại bang Michigan: "Tôi hay nói về xe điện nhưng không có nghĩa tôi chống lại chúng. Tôi hoàn toàn ủng hộ xe điện". Sau đó, ông Trump nói thêm: "Tôi đã lái xe điện và nó thật khó tin, nhưng không dành cho tất cả mọi người".
Giờ đây, cựu tổng thống lại nói thẳng rằng ông chống lại bất cứ ai có một chiếc xe điện.
Vì thế, động thái của Musk dẫn đến những câu hỏi, rằng liệu hãng xe điện Tesla có bị ảnh hưởng xấu hay không, bởi quan điểm rõ ràng của cựu tổng thống đối với dòng xe chạy pin.
Ông Trump còn hứa sẽ kết thúc sự "ủy thác" của chính phủ Mỹ đối với xe điện và nâng thuế với những mặt hàng như linh kiện ôtô. Sự ủy thác được nhắc đến là Đạo luật Giảm Lạm phát trị giá 430 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden, với mức hỗ trợ đến 7.500 USD cho khách hàng mua xe điện.
Sự kết thúc, nếu thực sự xảy ra, sẽ khiến doanh số của ngành công nghiệp ôtô giảm 27% trong 2030, theo Brookings Institution. Mức thuế 10% với linh kiện xe nhập khẩu có thể thêm 1.500 USD chi phí vào giá xe trung bình, theo phân tích từ ngân hàng Wells Fargo.
Nhưng Tesla không nằm trong số đông. Wells Fargo chỉ ra rằng 65% linh kiện của hãng xe điện đến từ Mỹ và Canada, so với tỷ lệ 45% của toàn ngành. Và Tesla, không giống các đối thủ ở Detroit, hiện vẫn kiếm được tiền từ xe không khí thải.
Hôm 23/7, General Motors (GM) nói rằng xe điện của họ sẽ cần nhiều thời gian hơn dự kiến để bù lại chi phí sau khi hãng giảm số lượng sản xuất.
Sự thay đổi chính sách, nếu có, sẽ khiến con đường dịch chuyển sang xe điện trở nên chông gai hơn đối với các đối thủ của Tesla. Cả GM và Ford đều đã thay đổi kế hoạch, giảm sản lượng xe điện dù thực chất do tác động từ thực tế thị trường và nhu cầu của khách hàng, chưa phải do ảnh hưởng từ thái độ của ông Trump. Nhưng việc cả hai "gã khổng lồ" đều giảm nhịp độ trong cuộc đua đã mang lại lợi thế cho Tesla khi cạnh tranh trở nên bớt căng thẳng hơn.
Mỹ Anh