Các cơ quan chức năng cho biết tai nạn do vi phạm nồng độ cồn giảm đáng kể sau khi áp dụng nồng độ cồn bằng 0, số người uống rượu, bia ra đường cũng ngày càng giảm. Nhiều người cho rằng đó là kết quả của việc chúng ta thay đổi mức phạt vi phạm nồng độ cồn theo hướng nghiêm khắc hơn.
Nhưng theo tôi quan sát, bản chất của việc này không phải ở luật, mà nằm ở việc thi hành luật. Tức là, tài xế ra đường không uống rượu không phải vì chỉ dính tí cồn đã bị phạt, mà là vì có thể gặp chốt CSGT thổi nồng độ cồn bất cứ lúc nào, ở đâu. Nếu luật thay đổi, nhưng không có chốt nào kiểm tra, thì cũng không thay đổi được gì.
Giống như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm, thời gian đầu không phạt, rất ít người đội, nhưng khi bị phạt diện rộng, thì gần như toàn dân ra đường, leo lên xe máy là đội mũ. Việc tuân thủ nồng độ cồn tốt lên là do lực lượng CSGT làm việc rất tích cực. Hoặc như việc giới hạn tốc độ. Nơi nào có camera phạt nguội, ai cũng đi đúng luật, không có camera thì ai cũng đi láo nháo, dù mức phạt vượt tốc độ cũng không hề ít.
Nói những điều này để thấy, việc thi hành pháp luật quan trọng hơn nhiều so với quy định phạt bao nhiêu tiền, phạt từ bao nhiêu. Do vậy, thay vì phạt từ 0, hãy tạo ra một vùng xanh hợp lý để tránh các sai số không đáng có, và vùng xanh này thật nhỏ thôi, nhỏ hơn 1 chén rượu, nhỏ hơn nửa lon bia.
Bên cạnh đó, vẫn duy trì mức độ làm việc như hiện nay của CSGT, thì kết quả sẽ tốt lên, đồng thời cũng không gây những phiền toái cho người dân. Mong các cơ quan chức năng hiểu cho vấn đề này. Cái gì hợp tình, hợp lý, vừa nghiêm khắc, răn đe, nhưng cũng thuận lợi cho người dân thì nên làm, phải không các bạn?
Độc giả Quang Hùng