Bộ sưu tập album đĩa CD của Kim Na-yeon dày lên theo năm tháng, buộc cô phải đặt câu hỏi về tác động của chúng đối với môi trường.
"Những album này làm từ vật liệu rất khó tái chế", Kim nói. "Việc này khiến tôi cân nhắc đến lượng carbon phát thải để sản xuất hoặc tiêu hủy chúng".
Bộ sưu tập của Kim nằm trong số núi CD và hàng hóa phế liệu đang tăng lên từng ngày theo sự nổi tiếng toàn cầu của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc (K-pop).
Đĩa CD làm từ nhựa PC, có thể tái chế nhưng phải qua quy trình xử lý chuyên biệt để ngăn xả thải khí độc ra môi trường. Tính cả bao bì đóng gói, sản xuất một đĩa CD tạo ra 500 gr khí thải carbon, theo nghiên cứu về tác động môi trường của Đại học Keele nước Anh.
Nếu theo cách tính này, doanh số bán hàng theo tuần của một nhóm nhạc K-pop hàng đầu thế giới có thể "tương đương lượng khí thải ra từ phi cơ bay quanh Trái Đất 74 vòng", Kim nói.
Cô tham gia một nhóm bảo vệ khí hậu có tên Kpop4Planet. Nhóm thành lập năm 2020 bởi một fan K-pop người Indonesia với tôn chỉ hoạt động là K-pop phải chịu trách nhiệm về tác động của ngành với môi trường.
Kpop4Planet nhiều lần tổ chức biểu tình bên ngoài trụ sở một số hãng thu âm kêu gọi chấm dứt "tội lỗi của album sản xuất từ nhựa". Nhóm đang thu thập chữ ký vào bản kiến nghị giảm sản xuất nhựa và các chương trình tiếp thị thúc đẩy tiêu thụ đĩa CD trong bối cảnh doanh số bán đĩa tiếp tục tăng mạnh.
Lần đầu tiên trong ngành sản xuất album K-pop, doanh số bán đĩa CD vượt qua 100 triệu lên hơn 115 triệu năm 2023, tăng trưởng 50% so với năm trước, dù đa số người hâm mộ bây giờ nghe nhạc trực tuyến thay vì đặt đĩa CD vào máy phát nhạc.
Người hâm mộ K-pop vẫn tiếp tục mua đĩa vì bị hấp dẫn bởi các sáng kiến tiếp thị, Kim cho hay. Các công ty áp dụng phương pháp như sản xuất nhiều phiên bản của một album hay cung cấp photocard của thần tượng ẩn dưới bìa đĩa.
Photocard là chiếc ảnh có kích cỡ như thẻ ngân hàng, thường là ảnh selfie của một thành viên, được đặt ngẫu nhiên bên trong album. Đối với nhiều người hâm mộ K-pop, photocard là vật phẩm sưu tầm yêu thích nhất khi mua đĩa nhạc.
Nếu không bóc album ra, người hâm mộ không thể biết nó có chứa photocard của thành viên mà mình yêu thích hay không. Photocard hiếm đôi khi còn được rao bán trong cộng đồng fan với giá lớn hơn giá trị thực của album.
Một cách thức tiếp thị khác là mở chương trình trao cơ hội được gọi video với thần tượng hoặc gặp trực tiếp để xin chữ ký. Một số chương trình có thể lệ chọn người chiến thắng là người mua nhiều album nhất hoặc quay số trúng thưởng ngẫu nhiên. "Do đó, về cơ bản, mỗi album là một tấm vé số", Roza De Jong, người hâm mộ K-pop, nói.
Chương trình này dẫn đến việc một fan có thể mua đến hàng chục, thậm chí hơn 100 album để tăng cơ hội giành chiến thắng. Họ sẵn sàng vứt bỏ hàng thừa hoặc không có khả năng mang chúng theo vì số lượng quá lớn.
"Thông điệp các công ty đưa ra là 'càng mua nhiều, càng có nhiều cơ hội'", Kim giải thích, nói thêm cảnh tượng thường gặp là "từng chồng album nhựa xếp lên nhau trên cầu thang và vứt lung tung trên đường phố Seoul" sau khi người mua lấy photocard hoặc đã có mã số để tham gia chương trình quay trúng thưởng.
Kim gọi mẹo bán hàng này là "tiếp thị lợi dụng". Cô chỉ trích các hãng thu âm thao túng tình cảm của người hâm mộ dành cho thần tượng.
HYBE, công ty quản lý nhóm nhạc BTS nổi tiếng, cho biết đang cố gắng khiến ngành công nghiệp âm nhạc thân thiện hơn với môi trường. "Theo sáng kiến bảo vệ môi trường của công ty, chúng tôi đang sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường để phát hành album, ấn phẩm video và các sản phẩm đi kèm, giảm phát thải nhựa", đại diện công ty cho hay.
Để hạn chế sản xuất và mua bán đĩa CD, Bộ Môi trường Hàn Quốc bắt đầu áp dụng hình phạt từ 2023 nhưng số tiền phạt ít ỏi không thể tác động tới doanh thu khổng lồ từ bán album.
Yoon Hye-rin, phó vụ trưởng Vụ chính sách lưu thông tài nguyên Bộ Môi trường Hàn Quốc, cho hay số tiền phạt thu về từ các hãng đĩa năm 2023 khoảng hai tỷ won (143.000 USD).
Về phần Kim, cô phản đối các hãng phát hành album nhưng không tẩy chay nghệ sĩ.
"Họ không phải người am hiểu hoặc có quyền ra quyết định các chương trình tiếp thị", cô nói. "Người hâm mộ nào cũng muốn nhìn thấy nghệ sĩ của mình tiến bộ, do đó không nên tẩy chay họ".
Hồng Hạnh (Theo AFP)