Trải qua 60 năm tồn tại và phát triển, 911 vẫn luôn được Porsche coi là là biểu tượng, linh hồn của thương hiệu. Hiếm có mẫu xe nào trên thế giới giữ được tính truyền thống, bản sắc được duy trì suốt 60 năm, trải qua 8 thế hệ phát triển.
Tới nay, 911 vẫn luôn là chuẩn mực thiết kế cho các dòng xe của Porsche, từ Cayenne, Panamera, 718, Macan hay xe thuần điện Taycan. Từ năm 1963 tới 2023, đã có hơn 1,2 triệu chiếc 911 được sản xuất, là dòng xe thể thao hai cửa thành công bậc nhất thế giới.
Thế hệ 911 đầu tiên được Porsche công bố tại triển lãm Frankfurt (IAA) năm 1963, dưới tên gọi 901, sau đó chính thức đổi tên thành 911 và duy trì đến tận ngày nay. Mẫu xe thể thao khi đó có cấu hình động cơ 6 xi-lanh nằm ngang, làm mát bằng không khí, công suất 130 mã lực và có thể đạt tốc độ tối đa 210 km/h.
Năm 1966, Porsche ra mắt phiên bản 911 S công suất 160 mã lực và 911 Targa đầu tiên với thanh cuộn bằng thép không gỉ. Khi đó, đây là mẫu coupe mui trần an toàn đầu tiên trên thế giới. Xe sử dụng hộp số bán tự động 4 cấp Sportomatic từ năm 1967. Các biến thể của 911 sau đó cũng đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải chặt chẽ của thị trường Mỹ.
Sau đó, mẫu coupe hai cửa được Porsche nâng dung tích xi-lanh, từ 2.2 (1969) lên 2.4 (1971). Phiên bản 911 Carrera RS 2.7 vào năm 1972 đạt công suất 210 mã lực và trọng lượng giảm xuống dưới 1 tấn. "Đuôi vịt" của xe chính là tấm hướng gió sau đầu tiên trên một phương tiện được sản xuất.
10 năm sau, thế hệ 911 thứ hai ra đời, điểm nhấn là phiên bản G (1973-1989) dài hơn tất cả các mẫu 911 trước đó. Ở thế hệ này, lần đầu tiên 911 có phiên bản Turbo, động cơ 3.0 cho công suất 260 mã lực, cùng cánh gió lớn phía sau. Đến năm 1977, phiên bản 911 Turbo được trang bị động cơ 3.3, cho công suất lên đến 300 mã lực. Phiên bản Cabriolet (mui trần mềm) ra đời từ năm 1982, cuối cùng là phiên bản 911 Carrera Speedster ra mắt năm 1989, lấy cảm hứng từ nguyên mẫu Porsche 356 của những năm 1950.
Thế hệ Porsche 911 thứ ba (964) ra đời năm 1988, chiếc xe được làm mới đến 85% so với trước đó, trang bị loại động cơ 3.6 nằm ngang, làm mát bằng không khí cho công suất 250 mã lực. Xe trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hộp số Tiptronic, khung gầm thiết kế lại hoàn toàn, với các khớp nối bằng hợp kim nhẹ. Phiên bản Carrera 4 dẫn động bốn bánh ra đời từ thế hệ này. Phiên bản 964 Turbo được nâng cấp động cơ từ 3.3 lên 3.6, công suất 360 mã lực.
Những phiên bản động cơ làm mát bằng không khí cuối cùng ra đời ở thế hệ 993 (năm 1993), một trong những giai đoạn dòng xe này có nhiều tín đồ trung thành bậc nhất. Từ phiên bản này, đèn chiếu sáng của 911 được đổi từ hình tròn sang polyellipsoidal đặc trưng. Xe sử dụng hệ khung gầm bằng nhôm, bản Turbo trang bị bộ tăng áp kép. Điều khiến những tín đồ Porsche nhớ đến nhất ở thế hệ này là việc hãng chính thức dừng hệ thống làm mát bằng không khí.
Hệ thống làm mát bằng dung dịch ra đời từ thế hệ 911 tiếp theo, số hiệu 996 ra đời năm 1997 và kết thúc năm 2005. Nhờ chuyển sang làm mát bằng dung dịch, 911 dùng động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng có thể đạt công suất đến 300 mã lực, phá vỡ kỷ lục cũ về tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải và tiếng ồn. Kiểu đèn chiếu sáng tích hợp đèn xi-nhan gây tranh cãi của 911 ở thế hệ này, cuối cùng lại được sao chép bởi hàng loạt hãng xe khác. Phiên bản 911 GT3 trở thành một trong những điểm nhấn của dòng xe từ năm 1999, giữ trọn vẹn giá trị truyền thống của thế hệ Carrera RS. Chiếc 911 GT2 là mẫu xe đầu tiên được trang bị bộ phanh gốm tiêu chuẩn.
Thế hệ 911 tiếp theo (số hiệu 997) ra đời năm 2004, đánh dấu bước tiến khi hãng xe thể thao Đức chọn hướng kết hợp giữa cổ điển và hiện đại. Đèn pha hình ô-van với những điểm sáng riêng biệt ở cản trước là hình ảnh quen thuộc của các dòng xe 911 trước đây, nhưng đó không phải là tất cả với 997. Động cơ 3.6 cung cấp 325 mã lực trong khi phiên bản Carrera S mạnh mẽ hơn với động cơ 3.8, cung cấp 355 mã lực. Từ thế hệ này, 911 được áp dụng hệ thống treo chủ động PASM tiêu chuẩn, hệ thống phun xăng trực tiếp, hộp số ly hợp kép... Từ thế hệ này, Porsche 911 có đến 24 phiên bản tùy chọn khác nhau như Carrera, Targa, Cabriolet, dẫn động cầu sau hoặc 4 bánh, Turbo, GTS hay GT...
Ra đời năm 2011, thế hệ 911 số hiệu 991 ra đời, đánh dấu bước nhảy vọt về công nghệ. Xe có trục cơ sở lớn hơn, khung gầm rộng hơn nhưng nhẹ hơn khoảng 50 kg so với thế hệ trước, nhờ sử dụng hệ khung gầm tích hợp vật liệu nhôm. Bảng điều khiển trung tâm thiết kế lấy cảm hứng từ dòng Carrera GT và được áp dụng cho sedan Panamera. Ở thế hệ này, 911 sử dụng hệ thống kiểm soát khung gầm chủ động PDCC của Porsche. Đến tháng 9/2015, Porsche lần đầu tiên trang bị động cơ boxer 6 xi-lanh tăng áp, dung tích 3.0 cho các phiên bản tiêu chuẩn Carerra và Carrera S.
Thế hệ 992 của Porsche 911 bắt đầu từ năm 2019 và kéo dài đến ngày nay, ra mắt tại LA Autoshow (Mỹ). Điểm nhấn trên thế hệ mới nhất của 911 là hệ thống đèn chiếu sáng LED ma trận 3D, nội thất chuyển các phím cứng sang loại cảm ứng. Cần số tròn trịa ở phiên bản trước được thay bằng loại điện tử, sử dụng thông qua nút gạt. Động cơ tăng áp dung tích 3.0 cho công suất 444 mã lực, độ cứng thân xe tăng 5% và hệ thống giảm xóc được tinh chỉnh nhằm phù hợp hơn cho trải nghiệm đường phố hàng ngày.
Hệ truyền động được phân phối bởi hộp số tự động 8 cấp ly hợp kép được phát triển hoàn toàn mới. Những điểm nổi bật khác bao gồm: chế độ lái trên mặt đường trơn trượt (Wet mode) trang bị tiêu chuẩn, hệ thống Hỗ trợ tầm nhìn đêm với camera tầm nhiệt... Giá bán tiêu chuẩn cho các phiên bản 911 Carrera thế hệ mới nhất tại Việt Nam từ 7,62tỷ đồng, chưa bao gồm tùy chọn đặt thêm.
Quang Anh
Ảnh: Porsche
Nhân kỷ niệm 60 năm lịch sử dòng xe huyền thoại 911, Porsche Việt Nam dành tặng món quà độc quyền – chuyến đi "Khám phá Porsche Leipzig" cho khách hàng mua 911 tại các trung tâm Porsche từ nay đến hết 31/1/2024. Chương trình áp dụng với số lượng xe giới hạn.