Những năm qua, đạo diễn Charlie Nguyễn không có phim mới nhưng hoạt động điện ảnh ở nhiều vai trò khác nhau như nhà đầu tư, sản xuất, đào tạo. Dịp tham gia các hoạt động của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội hồi đầu tháng 11, anh nói về việc làm phim, dự định với điện ảnh ở tuổi 56.
- Bốn năm nay, vì sao anh vắng bóng trên đường đua phim Việt?
- Hiện tại, tôi là nhà sản xuất nhiều dự án, không còn quá tham công tiếc việc như xưa. Trước khi nhận một bộ phim, tôi sẽ đặt ra những câu hỏi như: "Tại sao mình làm tác phẩm này? Tác phẩm đó cần thiết ra đời không?". Nếu không tìm được câu trả lời thỏa đáng, tôi sẽ từ chối. Tôi giờ thích những bộ phim có chiều sâu, mang ý nghĩa nhất định với bản thân và khán giả.
- Anh từng có nhiều phim doanh thu cao như Để Mai tính, Em chưa 18, nhưng cũng có phim phải bù lỗ vài chục tỷ đồng như Người cần quên phải nhớ. Anh rút ra điều gì?
- Khi làm ra các phim ăn khách, bài học thu được ít hơn một bộ phim thất bại. Giống như người đi đường thuận lợi, kinh nghiệm lại không phong phú bằng người bị sảy chân, vấp té. Việc làm phim luôn ẩn chứa rủi ro. Nhà sản xuất, êkíp kể câu chuyện mình yêu thích, nhưng chưa chắc đó là món ăn tinh thần phù hợp với khán giả. Vì vậy, những người làm trong lĩnh vực điện ảnh, ngoài giỏi tay nghề, còn phải có sự nhạy bén với thị trường, hiểu được tâm lý và thị hiếu khán giả.
Nhiều tác phẩm, người xem mua vé ra rạp để giải trí, nhưng lại bị ép vào tình thế trở thành nhà phê bình, do phim nhiều lỗ hổng. Họ phải đặt ra những câu hỏi: "Sao chỗ này không hay, chỗ kia vô lý vậy". Đó là một bộ phim thất bại. Và khán giả chính là người thiệt thòi. Vậy nên nhiệm vụ của êkíp là đừng biến người xem thành những nhà phê bình, hãy để họ được làm khán giả và có quyền thưởng thức tác phẩm từ đầu đến cuối, sau đó bước ra rạp với tâm thế sung sướng, hài lòng.
Tôi không nghĩ Người cần quên phải nhớ là bộ phim tệ, nhưng nó không phù hợp với nhu cầu thị trường, không chạm đến trái tim khán giả. Bộ phim bị chỉnh sửa quá nhiều, không còn là ý tưởng ban đầu, tồn tại nhiều khuyết điểm.
- Theo anh, vấn đề lớn nhất của phim Việt hiện nay là gì?
- Khán giả thường nhận xét "Phim Việt chưa hay". Tôi nghĩ bản chất của việc này là: "Chúng ta bắt đầu quay từ những kịch bản chưa hay".
Đội ngũ biên kịch đang yếu ở phần kể chuyện. Một bộ phim thành công, trước tiên kịch bản phải tốt. Nếu bắt đầu bằng một kịch bản tốt, đạo diễn vẫn có thể làm ra bộ phim dở. Nhưng chẳng ai có thể làm một bộ phim hay từ kịch bản dở. Nếu biên kịch yếu, đạo diễn có cố mấy cũng không thể "gột nên hồ". Bởi vậy trong thời buổi này, biên kịch tốt sẽ được săn đón, chào mời. Tôi sẵn sàng trả hai tỷ đồng nếu tìm được một kịch bản hay, ưng ý.
Tôi quan niệm biên kịch, đạo diễn, dựng phim là ba khâu không thể tách rời, giống như một chiếc chân máy quay vậy. Câu chuyện phải được thống nhất cách kể trên giấy, trên máy quay và trên bàn dựng. Nhưng ở Việt Nam, sự kết hợp này còn rời rạc, thiếu sự nhất quán, đồng điệu.
- Anh cảm nhận thị trường phim Việt những năm gần đây thay đổi thế nào?
- Nếu nói về doanh thu, kỷ lục của nhiều năm trước liên tục được xô đổ. Tôi tin thành tích này tiếp tục phát triển. Một người bạn của tôi, là quản lý cấp cao của một tập đoàn phát hành phim ở Hàn Quốc, đánh giá điện ảnh Việt sẽ vào top năm thị trường lớn trong 10-15 năm tới.
Tôi cũng tin chúng ta sẽ chuyển mình ngoạn mục. Bởi những nền điện ảnh lớn đã trải qua giai đoạn đỉnh cao và đang đi vào điểm bão hòa. Còn chúng ta có thị trường rộng lớn với gần 100 triệu dân nhưng chưa khai thác tối đa. Hiện tại, đối tượng ra rạp vẫn chỉ là khán giả ở thành phố lớn. Các vùng lân cận chưa có rạp phim. Khi số lượng phòng chiếu ngày càng nhiều, nhà sản xuất sẽ có thêm khả năng thu lợi nhuận cao. Đó sẽ là tiền đề để họ đặt cược vào các cuộc chơi lớn.
- Anh ấn tượng với tên tuổi đạo diễn nào trong làng phim Việt?
- Thế hệ đạo diễn trẻ giàu năng lượng, sự sáng tạo, mạnh dạn và có những góc nhìn mới mẻ hơn. Họ cũng dễ phát triển, nâng cao tay nghề trong thời đại công nghệ số. Tôi thấy Võ Thanh Hòa là một đạo diễn nhạy cảm, còn Phan Gia Nhật Linh sáng tạo, sâu sắc và đang ở độ chín muồi. Ngoài ra, Nguyễn Quang Dũng cũng là người tôi đánh giá cao, vì có tư duy gần gũi với khán giả.
Theo tôi, việc làm phim giờ cũng thuận lợi hơn xưa, bởi khâu kiểm duyệt đã được nới lỏng rất nhiều, thông thoáng. Trước kia, chúng tôi đâu được làm phim ma, phim kinh dị, nhưng giờ dòng phim này liên tục ra rạp.
- Anh còn ấp ủ gì với điện ảnh?
- Ngoài làm phim, tôi vẫn xây dựng những khóa học về biên kịch, đạo diễn, sản xuất. Tôi thấy các bạn trẻ hiện tự học hoặc học qua nhiều khóa ngắn hạn, không khả thi. Vì thế, tôi muốn xây dựng một số chương trình đào tạo dài hơi, cho các em có thời gian tìm hiểu, thực hành. Học viên tốt nghiệp có sản phẩm, hay hay không chưa bàn tới, nhưng phải bài bản, có hệ thống.
Tôi ấp ủ một số dự án phim hành động, nhưng thực hiện được hay không còn tùy duyên. Tôi nghĩ nếu mình làm tốt thể loại này, sẽ có cơ hội bán ra nước ngoài cao, do khán giả thích tiếp cận qua hình ảnh hơn là lời thoại. Tuy nhiên, sản xuất thể loại này vẫn gặp nhiều khó khăn, từ kinh phí, kịch bản cho đến diễn viên.
Charlie Nguyễn sinh năm 1968, là đạo diễn, nhà sản xuất người Mỹ gốc Việt. Anh là anh trai diễn viên Johnny Trí Nguyễn, cháu ruột nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín. Anh từng có nhiều tác phẩm thành công, đạt doanh thu cao như Để Mai tính 2, Tèo em và Chàng vợ của em. Ngoài ra, Charlie còn là nhà sản xuất Em chưa 18 - phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Việt, tính đến năm 2019.
Hà Thu