Giữa hiệp ba trận tứ kết với Vinschool Times City, đội tuyển trường Nguyễn Bỉnh Khiêm bất lợi khi nhiều cầu thủ dính "foul trouble" (cầu thủ mắc 5 lỗi cá nhân sẽ bị truất quyền thi đấu nên không dám xông xáo khi đã mắc 3-4 lỗi). Khi đó, hai đội đang so kè quyết liệt về điểm số, với lợi thế tinh thần thuộc về Vinschool Times City.
Nhiều cầu thủ Nguyễn Bình Khiêm không còn dám thủ "rát" do mắc nhiều lỗi, để đối thủ đánh xuống hai đáy cũng như tấn công thẳng vào khu vực dưới rổ ghi điểm. Trong tình cảnh đó, HLV Tú "Kaede" phải gọi hội ý. Là đầu tàu, Hải Đăng cùng thầy trấn an đồng đội, nhắc họ bình tĩnh, chơi chậm lại, chắt chiu từng điểm số và tập trung hơn trong phòng ngự.
Khi trở lại, Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn để đối thủ tấn công dễ dàng. Ở mặt trận tấn công, Hải Đăng cầm nhịp, giúp đội lên chuỗi điểm 11-0. Từ chỗ bị dẫn 25-27, Nguyễn Bỉnh Khiêm dẫn ngược 36-27 và không bao giờ để đối thủ đuổi kịp kể từ đó.
Trong chiến thắng 53-45 của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Đăng ghi 12 điểm và bảy kiến tạo, bên cạnh Hồ Nhật Minh (20 điểm). Khả năng điều phối, chia bài của cầu thủ số 8 giúp Nguyễn Bỉnh Khiêm vượt qua khó khăn, trong trận đấu cả đội chơi dưới sức theo nhận xét của HLV Tú "Kaede".
"Chỉ" cao 1,75 m, Hải Đăng nổi bật trên sân với vóc dáng nhỏ thó cùng mái tóc xoăn. Cầu thủ sinh năm 2007 gây ấn tượng mạnh với các CĐV tại nhà thi đấu Cung thiếu nhi 2, nhờ khả năng dẫn bóng khéo léo và tốc độ vượt trội phần còn lại. "Em cố gắng biến bất lợi về thể hình thành điểm mạnh, bằng cách cải thiện kỹ thuật và sức nhanh", Hải Đăng nói về cách em thích nghi với cuộc sống bóng rổ học đường.
Không chỉ là vấn đề thể hình, hành trình của Hải Đăng với bóng rổ cũng gặp nhiều trở ngại khác. Đam mê từ nhỏ, nhưng Đăng không được bố mẹ cho đi chơi bóng rổ nhiều vì sợ ảnh hưởng đến việc học. Cậu bé lớp 2 khi đó thường tập đập bóng một mình quanh nhà. Cứ thế, kỹ năng kiểm soát và rê bóng trở nên thuần thục lúc nào không hay.
"Hồi bé em thấy các anh biết chơi bóng rổ 'chất' lắm, em cũng muốn được như các anh ấy", Hải Đăng nhớ lại. "Nhưng bố mẹ em lớn lên trong nghèo khó và thành công nhờ con đường học hành, nên không muốn em lơ là trường lớp. Em hiểu việc học là quan trọng nhất nhưng đam mê thật khó bỏ. Sau giờ học, em đều tự tập bóng rổ. Quà bố mẹ mua cho, em cũng đều chỉ muốn giày, quần áo bóng rổ mà thôi".
Đam mê đó thật khó duy trì, khi trường cấp hai của Hải Đăng không có phong trào bóng rổ. Cậu nhóc vẫn miệt mài với trái bóng cam một mình, cho đến khi tìm thấy những người bạn, người anh chung sở thích, rồi vào học tại trường cấp ba Nguyễn Bỉnh Khiêm - ngôi trường có phong trào mạnh. "Bố mẹ không ủng hộ, nhưng em không đơn độc trong chặng đường gắn bó với bóng rổ", Hải Đăng nói tiếp. "Bóng rổ cho em nhiều thứ hơn là sức khỏe, sự giải trí. Em gặp được những người anh em tốt, có nhiều trải nghiệm, cuộc sống vì thế cũng nhiều màu sắc hơn".
Bóng rổ cũng "chạm" đến những góc cảm xúc nhất bên trong chàng trai rắn rỏi, mạnh mẽ này. Không đầu hàng trước thử thách trong cuộc sống, nhưng nhiều lúc, Hải Đăng lại rơi lệ vì tình yêu với môn thể thao em theo đuổi. Em không khóc vì những thất bại, mà vì trách nhiệm với đồng đội. Vị trí hậu vệ dẫn bóng của Đăng là trọng yếu trong đội hình, quyết định đến lối chơi và thành bại của toàn bộ hệ thống. Đôi khi, mọi thứ không phải lúc nào cũng như ý của chàng trai này.
"Năm 2022, em đã chơi một trận rất tệ, trong giải đấu quan trọng là giải học sinh thành phố", Hải Đăng hồi tưởng. "Em tự tin nhưng non nớt, để đối thủ 'bắt trap' (quây rát từ phần sân nhà) nhiều, dẫn đến mất bóng và khiến đội thua nhiều điểm. Khi đó, em đã khóc rất nhiều trong giờ nghỉ giữa trận, vì bản thân sai lầm để ảnh hưởng đến cả đội".
Cậu bé lớp 10 sau đó được các anh lớn trong đội động viên, rồi trở lại bùng nổ ở nửa sau trận, giúp đội nhà chiến thắng. Nguyễn Bỉnh Khiêm năm đó xếp thứ ba giải học sinh thành phố, rồi tiếp tục về nhì tại VBSL - giải bóng rổ danh giá cấp THPT.
Nhờ ngọn lửa và bầu máu nóng đến từ những cầu thủ trẻ như Hải Đăng, Nguyễn Bỉnh Khiêm dần khẳng định vị thế tại bóng rổ học đường thành phố Hà Nội những năm qua. Khi những trụ cột ra trường, đội bóng càng phụ thuộc nhiều vào Hải Đăng - chàng trai lớp 12 đang ở độ chín sau khi trải qua nhiều va vấp ở các giải lớn.
"Em và đồng đội đặt kỳ vọng lớn ở Cup Ziaja lần này", Hải Đăng bộc bạch. "Chúng em chưa từng cùng nhau vô địch ở một giải đấu lớn cấp THPT và đây là cơ hội lớn cho tất cả. Em muốn cháy hết mình cho sự kiện có thể là cuối cùng trong những năm tháng học sinh đáng nhớ. Ở bán kết, đối thủ Phan Đình Phùng rất mạnh, em hy vọng các bạn CĐV có thể đến nhà thi đấu Cầu Giấy thật đông vào Chủ nhật tới, để tiếp lửa cho Nguyễn Bỉnh Khiêm".
Bóng rổ là tuổi thơ, thanh xuân và một phần cuộc sống của Hải Đăng. Chàng trai Hà Nội cho biết, sẽ đến lúc em gác lại đam mê này để theo đuổi một sở thích khác, là ngành học kinh tế. Tuy nhiên, bóng rổ không bao giờ dừng lại với Đăng, người luôn sống trọn từng khoảnh khắc và sẽ mang nó theo suốt chặng đường phía trước.
"Em luôn muốn cân bằng giữa bóng rổ và việc học, nên em sẽ không theo đuổi con đường trở thành VĐV chuyên nghiệp", Hải Đăng chia sẻ. "Tuy nhiên, niềm đam mê bóng rổ sẽ không bao giờ mất đi. Những năm tháng tập luyện, vui chơi, những trận đấu căng thẳng, thắng thua cùng những người anh em sẽ luôn là kỷ niệm không bao giờ quên. Chúng em thật may mắn khi được sống trong thời đại bóng rổ phát triển mạnh, có nhiều sân chơi để cọ xát, khẳng định bản thân".
Nhân Đạt
Giải Bóng rổ Trẻ năm 2024 - Cup Ziaja do Báo VnExpress, Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT tổ chức. Đồng hành tài trợ là thương hiệu dược mỹ phẩm Ziaja, đến từ Ba Lan. Được thành lập từ 1989, phân phối ở 107 quốc gia và danh mục 2230 sản phẩm, thương hiệu này hiện có mặt tại Việt Nam thông qua đại diện là Tập đoàn dược mỹ phẩm châu Âu - EUPC Group. Vòng bán kết diễn ra ngày 17/11. Hai trận bán kết nam là Nguyễn Tất Thành gặp Nguyễn Trãi - Ba Đình, và Phan Đình Phùng gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm, lần lượt bắt đầu lúc 8h30 và 15h tại nhà thi đấu Cầu Giấy. Xen giữa là hai trận bán kết nữ. Kim Liên gặp Vinschool Smart City, còn Phan Đình Phùng chạm trán Đống Đa. |