CX-5 vẫn băng băng về đích khi doanh số tiếp tục tăng cao, đạt mức 2.195 xe trong tháng 10, mức cao nhất từ đầu 2023. Lượng bán này không chỉ thống trị phân khúc xe gầm cao cỡ C, ở quy mô toàn thị trường, mẫu xe của Mazda cũng dẫn đầu.
Giá bán 749-999 triệu đồng thấp nhất phân khúc là nguyên nhân chính giúp Mazda CX-5 được khách hàng quan tâm nhất trên thị trường. Lũy kế sau 10 tháng, mẫu xe lắp ráp bởi Trường Hải (Thaco) bán hơn 13.000 xe, chiếm khoảng 42% thị phần phân khúc, gần tương đương mức trung bình hai chiếc CUV C đến tay khách hàng, một mang thương hiệu Mazda. Càng về cuối năm, tâm lý sắm xe trước khi ưu đãi lệ phí trước bạ hết hiệu lực (từ 1/1/2024) của khách hàng càng giúp lượng giao CX-5 tăng cao.
Áp lực từ giá và sức bán vượt trội của CX-5 khiến các đối thủ trong phân khúc giảm giá theo. Tháng 10, Hyundai Tucson giảm giá mạnh từ hơn 80 triệu đồng cho các phiên bản giúp doanh số cải thiện. Ngoài CX-5, mẫu xe của Hyundai là sản phẩm thứ hai bán trên 1.000 xe tháng vừa qua. Tuy nhiên, lũy kế của Tucson sau 10 tháng đạt hơn 3.800 xe, xếp sau hai mẫu xe khác là Territory và CR-V.
Ford Territory cũng đang được đại lý giảm giá mạnh, khoảng 60-70 triệu đồng. Doanh số của mẫu xe thương hiệu Mỹ không tăng đột biến nhưng vẫn giữ vị trí ăn khách thứ hai sau CX-5.
Honda CR-V 2024 mới bán ra thị trường từ tháng 10, giá thuộc hàng đắt nhất phân khúc, bên cạnh Volkswagen Tiguan. Lũy kế doanh số của CR-V đạt hơn 4.200 xe, xếp thứ ba phân khúc.
Kia Sportage với kiểu dáng cắt xẻ, nhiều đường nét phức tạp chưa hợp gu số đông người Việt. Mẫu xe của Kia (1.885 xe) bán nhỉnh hơn mẫu xe xếp cuối danh sách, Mitsubishi Outlander 126 xe. Kiểu dáng Outlander không có nâng cấp đáng kể trong thời gian dài nên sức hút trong phân khúc vì thế mờ nhạt.
Phân khúc CUV cỡ C còn có những cái tên như Haval H6, Subaru Forester, MG RX5, Volkswagen Tiguan... nhưng hãng không công bố số liệu bán hàng.
Phạm Trung