Chiều 23/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Quốc hội giao Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhà ở để thực hiện mục tiêu người dân có chỗ ở đáp ứng yêu cầu công việc và phù hợp với thu nhập, thực hiện đồng bộ chính sách cải cách tiền lương.
Chính phủ nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội; thành lập hoặc thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội; bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Quốc hội yêu cầu đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương. Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cần được nghiên cứu, đánh giá, xây dựng dựa trên các căn cứ khoa học, thực tiễn, phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của đất nước, vùng, địa phương trong từng giai đoạn.
Địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng nhà xã hội phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và quy hoạch sử dụng đất từng thời kỳ; kiểm tra, thanh tra về chất lượng nhà ở xã hội, việc xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách.
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, giai đoạn 2015-2023, nhiều gói hỗ trợ vay vốn, ưu đãi về nhà ở xã hội đã được đưa ra. Người lao động đủ điều kiện, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được thụ hưởng. Nhiều địa phương đã bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà xã hội, bảo đảm đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội thiếu tính ổn định; chưa được hướng dẫn cụ thể; mâu thuẫn, chồng chéo. Nhiều mục tiêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 không đạt được. Nguồn cung nhà còn hạn chế, giá bán cao, quy định về điều kiện tiếp cận chính sách khó khả thi. "Vẫn còn tình trạng người mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội", Nghị quyết nêu.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội của các ngân hàng thương mại nhà nước tỷ lệ giải ngân chưa cao, chưa đủ hấp dẫn, chưa phát huy tác dụng. Việc thực hiện quy định phải bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà xã hội trong dự án nhà ở thương mại chưa phù hợp.
Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập.