Nhưng không ai trong số các con bà - hiện ở độ tuổi 20 và 30 - muốn có con. Điều này khiến bà đau lòng. "Tôi không còn con nhỏ và giờ tôi sẽ không có cháu", bà nói. "Đoạn đường đó của cuộc đời tôi đã kết thúc".
Chồng bà, ông John Birk, 55 tuổi, cũng chia sẻ cảm giác "khao khát và mất mát sâu sắc" dù vẫn biết con cái không có trách nhiệm phải sinh con nối dõi.
Ngày càng nhiều người Mỹ cảm thấy đau lòng khi biết họ sẽ không bao giờ được làm ông bà. Hơn 50% người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên có ít nhất một đứa cháu vào năm 2021 so với 60% năm 2014. Nhiều người Mỹ trưởng thành nói rằng họ không có khả năng sinh con vì nhiều lý do, mà chủ yếu là: Không muốn.
Claire Bidwell Smith, nhà tâm lý ở Los Angeles cho biết xã hội có xu hướng coi cháu là niềm vui của tuổi già. Nhiều người nghe nói về việc làm ông bà tuyệt vời và tốt hơn làm cha mẹ như thế nào. Khi không được trải nghiệm, sẽ có một nỗi đau rất thực tế đi kèm.
"Đó là một kiểu đau buồn mà văn hóa của chúng ta có xu hướng không nhận ra, và mọi người không biết cách nói về nó", chuyên gia này nói.
Ở ngoại ô Chicago, Christine Kutt, 69 tuổi, có đứa con duy nhất ở tuổi 42, sau nhiều năm không muốn sinh đẻ. Bà mơ ước được bao quanh bởi các cháu khi về già, truyền lại cho chúng các công thức nấu ăn và tình yêu nhạc rock. Ngay cả khi con gái bà còn nhỏ, Kutt đã hình dung về một tương lai như vậy. "Hiện bên ngoài tôi ủng hộ việc không sinh con nhưng bên trong tôi hy vọng con gái có thể thay đổi suy nghĩ", bà chia sẻ.
Nhà tâm lý học Maggie Mulqueen ở Wellesley, Massachusetts cho biết những bậc cha mẹ hy vọng có cháu đang ở độ tuổi "thời gian ngày càng thu hẹp lại". Họ phải vật lộn với các câu hỏi về cuộc sống và di sản.
Tiến sĩ Mulqueen, người đã tư vấn cho nhiều khách hàng khao khát có cháu, nhận thấy quyết định không sinh con có thể làm căng thẳng mối quan hệ cha mẹ - con cái, nhất là khi không tách biệt được cảm giác thất vọng với bản thân và thất vọng về con cái.
Kutt, lo lắng mắc phải sai lầm đó nên không thường xuyên nói về chủ đề này. Dù vậy đôi lúc bức xúc không thể kiềm chế, bà nói với con gái rằng người mà cô sẽ trở thành sau 10 năm nữa sẽ không nhận ra cô ở hiện tại và khuyên con nên mở các lựa chọn.
Thậm chí, việc không được làm ông bà có thể như một sự phủ nhận. "Một số khách hàng của tôi tự hỏi: 'Tôi đã làm cha mẹ tồi tệ đến mức con tôi không muốn có con sao?", tiến sĩ Mulqueen kể.
Và khi nhóm bạn bè của một người đang bận rộn với việc làm ông bà như đưa đón các cháu đi tập bóng đá và biểu diễn ba lê, hoặc chi tiêu tiền bạc cho các chuyến thăm, những người không có cháu cảm thấy bị bỏ rơi. "Nó giống hệt như khi bạn bè của bạn kết hôn, hoặc sinh con, còn bạn thì không", Mulqueen nói thêm.
Từng ủng hộ hai con gái - đều ở độ tuổi 30 không có con - giờ đây bà Jill Perry, 69 tuổi thay đổi suy nghĩ. Khi bạn bè đăng những bức ảnh hạnh phúc với cháu lên mạng xã hội, Perry thường cảm thấy bị thôi thúc. Ngôi nhà của bà sẽ là "ngôi nhà vui vẻ", nơi những đứa cháu có thể vẽ tranh, khám phá và bày bừa.
"Cháu sẽ mang lại sự cân bằng với tuổi già, bởi vì lão hóa thật khó khăn", bà nói.
Con gái út của Perry, Emily Cox, 35 tuổi, nói rằng mẹ cô rất rõ ràng muốn được làm bà ngoại. Chị gái của Cox luôn nói thẳng không muốn có con. Còn Cox cảm thấy mâu thuẫn nhưng nghiêng về không sinh con vì lo ngại sự ổn định tài chính, an toàn trường học, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và không tìm được người bạn đời đáng tin cậy.
Tiến sĩ Bidwell Smith khuyến khích những người không có cháu khám phá các khía cạnh khác nhau của bản thân, ví dụ dạy học, làm tình nguyện.
Chồng của bà Perry, tiến sĩ David Cox, 67 tuổi, làm những gì có thể để tránh lãng mạn hóa trải nghiệm làm ông bà, ví như ghi nhận một số người bạn càu nhàu về việc trở thành "người trông trẻ". Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy đau buồn, đặc biệt mỗi khi vợ chồng ông đi ngang qua một công viên đầy trẻ em hoặc hồi tưởng về ông nội của mình.
"Cả hai chúng tôi đều rất muốn đền đáp món quà của tình yêu thương và sự dạy bảo vô điều kiện đó nếu được làm ông bà", ông nói. "Nhưng, điều đó không xảy ra".
Bảo Nhiên (Theo Nytimes)