Tại châu Âu, BYD thu về lợi nhuận 15.400 USD với mỗi chiếc SUV điện Seal U bán ra. Trong khi đó ở Trung Quốc, xe bán giá 20.800 USD và lợi nhuận là 1.400 USD, theo hãng nghiên cứu Rhodium Group.
Ngày 12/6, EC áp mức thuế tăng vọt với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, 17,4-38,1% tùy hãng. Mức thuế tiêu chuẩn hiện hành là 10%.
Nếu mức thuế 30% bị áp với Seal U cũng vẫn không đủ để tạo sự ngang bằng về lợi nhuận giữa xe ở châu Âu và Trung Quốc. Cũng với mức thuế này, mỗi chiếc Seal U vẫn giúp BYD lãi 5.000 USD mỗi xe bán ra. Trong khi đó, BYD chỉ bị áp thuế 17,4%, tức khoản lãi còn cao hơn. Có nghĩa, xuất khẩu sang châu Âu vẫn là một hướng đi hấp dẫn.
"Phân tích của chúng tôi với nhiều mẫu xe khác bán ở Trung Quốc và Đức chỉ ra rằng kể cả khi bị áp thuế 30%, nhiều mẫu xe điện Trung Quốc vẫn có khoản lợi nhuận cao ở châu Âu", Rhodium cho biết.
Báo cáo cũng nêu rằng những mức thuế cao hơn, khả năng đến 45% hay thậm chí 55% với những nhà sản xuất có tính cạnh tranh cao như BYD mới có thể đủ để việc xuất khẩu sang châu Âu bớt hấp dẫn.
Tuy nhiên, tăng thuế có thể tạo hiệu ứng không mong muốn với các hãng xe phương Tây. Thuế ở mức 15-30% có thể ảnh hưởng xấu đến các hãng như BMW hoặc Tesla - các thương hiệu đang xuất xe từ Trung Quốc sang châu Âu. Thuế cao hơn có thể phá vỡ kế hoạch của những hãng như BMW, Honda và Volkswagen khi muốn biến Trung Quốc thành trung tâm xuất khẩu cho thị trường châu Âu.
Liên doanh BMW-Brilliance và Tesla là chủ thể của mức thuế 21% khi đã hợp tác với EC trong quá trình điều tra. Mức trên 30% bị áp cho hãng không muốn hợp tác.
Với các nhà sản xuất Trung Quốc, xuất khẩu dường như còn là một lựa chọn khó tránh khi mà ở quê nhà, tăng trưởng chậm dần và biên lợi nhuận thu hẹp. Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội ôtô chở khách Trung Quốc (CPCA), dự báo doanh số dòng xe năng lượng mới sẽ giảm 22% trong năm nay, sau khi tăng vọt 97% trong 2022 và còn 38% trong 2023.
Cạnh tranh căng thẳng dẫn đến cuộc chiến giá xe khiến biên lợi nhuận của ngành ôtô giảm từ mức 8,7% trong 2015 xuống 4,3% trong 2023. Cả hai xu hướng này khiến xuất khẩu càng trở nên hấp dẫn.
Tăng cường xuất khẩu có thể thấy rõ qua các con số. Đến hết 2026, sản lượng của BYD ở Trung Quốc sẽ đạt 6,55 triệu xe điện, tăng so với 2,9 triệu vào cuối 2023. Để tận dụng hết, BYD cần tăng hơn gấp đôi doanh số tại thị trường nội địa - thách thức đáng sợ trong khi doanh số toàn thị trường đang giảm. Kể cả tận dụng chỉ ở mức 80% sản lượng, BYD cũng cần tăng doanh số nội địa 81% đến hết 2026.
Lượng tàu biển chuyên chở ôtô của Trung Quốc cũng trở nên khan hiếm. Trong 2023, giá thuê tàu tăng vọt 700% so với 2019, đặc biệt bị tác động sau khi lực lượng Houthi tập kích các tàu hàng trên Biển Đỏ.
Tuy nhiên, các hãng xe cũng như hãng vận chuyển Trung Quốc đã tăng số đơn hàng tàu mới. Dựa trên những đơn hàng này, họ sẽ có khả năng vận chuyển ước tính 560.000 xe mỗi năm đến châu Âu trong 2025, với 6 chuyến mỗi năm (trong 2023, châu Âu nhập 472.000 xe điện từ Trung Quốc). Số lượng có thể tăng đến 1,7 triệu xe trong 2026. Đặc biệt, quyết định mua tàu thay vì thuê cho thấy mục tiêu dài hạn của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc là để xuất khẩu số lượng lớn.
Dù mức thuế bị tăng cao ở châu Âu, đây vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu với các hãng xe Trung Quốc còn bởi những thị trường khác thiếu những yếu tố hấp dẫn. Xuất khẩu đến những thị trường khác kèm theo những thách thức với những lý do như thị trường nhỏ hơn, khách hàng chưa quan tâm nhiều đến xe điện, hoặc thiếu chính sách hỗ trợ.
BYD có mục tiêu tham vọng ở châu Âu khi muốn chiếm 5% thị phần kể cả trước khi nhà máy ở Hungary đi vào hoạt động trong 2026, và đến 2030 là 10% thị phần, tức khoảng 920.000 xe bán ra.
Những mục tiêu này nhất quán với với mong muốn của chính quyền thành phố Thâm Quyến, nơi BYD đặt trụ sở chính. Thành phố muốn tăng số xe năng lượng mới xuất khẩu từ 71.000 trong 2023 (số liệu trong 11 tháng đầu năm) lên 400.000 xe trong 2024 và 600.000 xe trong 2025. Tương tự, MG - thương hiệu thuộc SAIC - bán gần 232.000 xe ở châu Âu trong 2023, và có kế hoạch bán hơn 300.000 xe năm nay.
Trong những tháng gần đây, xe điện Trung Quốc xuất đi EU giảm do chi phí vận chuyển tăng, chính sách không ổn định, và những thay đổi lớn của các chương trình hỗ trợ tại Pháp và Đức. Nếu doanh số xe điện Trung Quốc tiếp tục giảm có thể làm giảm những tác động chính trị. Ngược lại, xe điện Trung Quốc xuất khẩu tăng có thể làm tăng các biện pháp tự vệ ở châu Âu.
Nhưng ngược với Mỹ, EU vẫn cởi mở với các khoản đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện. Tháng 12/2023, BYD công bố kế hoạch xây nhà máy ở Hungary. Tháng 4 vừa qua, Chery ký kết liên doanh với hãng xe điện Tây Ban Nha, Ebro-EV Motors, sản xuất xe ở Catalonia.
Tuy nhiên, các thương hiệu Trung Quốc có thể đối mặt với sự phản đối trong châu Âu nếu các cơ sở sản xuất đặt ở những quốc gia thân thiện với Trung Quốc, như Hungary, cũng là nơi thu hút phần lớn các khoản đầu tư liên quan đến xe điện bởi các hãng Trung Quốc.
Mỹ Anh