Nhà nước không cấm học sinh đi xe máy, chính xác là cho phép học sinh cấp 3 (đủ 16 tuổi) đi xe máy dưới 50 phân khối. Nhưng nhiều khi các em lấy xe phân khối lớn hơn rồi lắp biển AA (biển số dành cho xe 50 phân khối) để đối phó. Hoặc mua xe 50 phân khối xong độ chế động cơ cho dung tích lớn hơn. Thành ra xử lý học sinh đi xe máy phân khối lớn hơn 50 là khá bất cập.
Việc học sinh đi xe máy là rất phổ biến. Điều này thực ra là tín hiệu tốt vì giúp các em chủ động công việc đi lại mà tránh phụ thuộc vào bố mẹ. Tôi cũng biết đi xe máy từ sớm, chính xác là vào năm lớp 10. Đến năm 18 tuổi khi có bằng lái và hồi tưởng lại, cũng như nhìn nhận thực tế thì tôi mới thấy một điều đáng buồn về học sinh đi xe máy. Đa phần kỹ năng lái xe của các em là do bố mẹ dạy, trường hợp bố mẹ ngăn cấm không cho đi xe máy sớm thì các em cũng học từ bạn bè, mượn xe bạn để đi. Ai dám khẳng định việc bố mẹ lẫn các bạn học sinh dạy nhau đi xe sẽ đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Lúc tôi mới học xe máy, bố mẹ tôi dạy tôi giữ thăng bằng, đi số 3 và 4 cho thăng bằng, mất đà thì về số. Nói chính xác là dạy để biết làm cho chiếc xe chuyển động, còn những chức năng an toàn như gương xe máy, ý thức tham gia giao thông, đảm bảo an toàn cho bản thân thì không.
Hiện, mặc dù nhà trường đã có nhiều chương trình giáo dục về an toàn giao thông, có mời cả lực lượng chức năng hợp tác làm việc. Trong mỗi năm học môn giáo dục công dân đều có phần về an toàn giao thông, kể cả không có trong sách giáo khoa thì đó là chương trình phụ bên ngoài khung chương trình chính khóa và không hề có trong chương trình thi cử nào. Mấy hoạt động tuyên truyền luật giao thông cũng thế, thường bị coi là phụ.
Vậy là từ khâu "mầm non" đã tạo ra những người Việt đi xe máy theo bản năng sau này. Nhiều khi ra đường tôi thấy các em học sinh "dọa" người đi đường bằng những kỹ năng "điêu luyện" kèm tính cách "húng" của tuổi trẻ. Như là "dương đông kích tây", nghĩa là nhắm bên này mà rẽ bên kia gây hoang mang cho người đi phía sau. Hay là đang đi thì các em bỗng đâu ú òa bằng cách "tạt cánh đánh đầu" bất ngờ, hay là đi từ trong nhà hay trong ngõ ra đường mà không có bất kỳ tín hiệu nào. Hay là cắt ngang nhiều làn đường một lúc, phóng quá tốc độ cho phép lên đến vài chục km/h trong phố. Đi theo nhóm bạn thay vì gọn lại thì lại dàn hàng ngang ra gây cản trở giao thông. Đi vào làn ôtô còn không biết, hay là đi quá chậm bám làn trái.
Đa số các em còn không hiểu được biển báo giao thông, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu là gì, và còn rất kém trong kỹ năng điều khiển phương tiện. Đó còn chưa kể mấy thành phần mà chúng ta quen gọi là "tổ lái" hay đua xe, biểu diễn những "kỹ năng" trong đêm hòng ra "oai" trong mắt các bạn bè khác, để ngầu trên mạng xã hội.
Không ít những vụ tai nạn thương tâm xảy ra cũng vì sự thiếu ý thức, cũng như thiếu hiểu biết của một bộ phận học sinh khi tham gia giao thông. Một phần là do khi ngồi ghế nhà trường các em còn chưa có môn Luật giao thông. Chỉ khi có sự việc xảy ra thì nhà trường mới có những hình thức xử lý như hạ hạnh kiểm trong tháng nếu không đội mũ bảo hiểm và lắp gương đạt chuẩn khi ra vào trường. Nhưng đó chỉ là phạm vi nhà trường, các em có thể gửi xe ở ngoài rồi đi bộ vào. Hoặc lấy mấy cái mũ cái gương kém chất lượng để đối phó. Còn ra ngoài thì tháo hết ra đi như bình thường.
Tôi không quy chụp cho tất cả học sinh đi xe máy. Xung quanh ta cũng có những em học sinh rất có ý thức khi tham gia giao thông.Thực ra cho học sinh xe máy là điều tốt, vì sẽ rèn cho các em tính kiên nhẫn, kỷ luật, chủ động, khả năng quan sát phán đoán tình huống. Xuất phát từ phụ huynh, chúng ta không chỉ dạy con biết đi, mà còn dạy con cả về luật giao thông lẫn cách xử lý tình huống vì thực tế có nhiều vụ va chạm do thiếu hiểu biết.
Tôi cũng từng được một số em hàng xóm nhờ dạy đi xe máy vì bố mẹ không cho. Thay vì dạy như nhiều người khác, tôi dạy cả tín hiệu biển báo và cách đi sao cho an toàn trên nhiều tình huống. Nhìn các em có ý thức, các em kể rằng được bố mẹ cho phép đi xe máy, tôi thấy mình dường như có trách nhiệm phần nào với xã hội.
Độc giả An Thái