Thông tin này được Bộ Tài chính nêu trong tờ trình đề nghị xây dựng Dự án Luật thuế thu nhập cá nhân mới.
Hiện tại, điều 3 Luật thuế Thu nhập cá nhân quy định 10 loại thu nhập phải chịu thuế gồm thu từ kinh doanh, tiền lương, đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, bản quyền, nhượng quyền thương mại, thừa kế và nhận quà tặng.
Theo Bộ Tài chính, các loại thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân này về cơ bản phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, cũng như thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng thực tiễn phát sinh một số khoản thu nhập khác của cá nhân ngoài 10 hình thức trên. Đây thường là các khoản thu nhập có tính chất đặc thù như từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản, quyền tài sản là tên miền internet, SIM - số điện thoại.
Trong tờ trình, Bộ Tài chính cho biết cần rà soát bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế theo hướng thêm nhóm thu nhập khác (đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với tình hình thực tế) hoặc quy định cụ thể các khoản thu nhập khác (gồm từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản là tên miền internet, SIM - số điện thoại).
Thực tế, thị trường hoạt động sang nhượng SIM số đẹp từ các tổ chức, cá nhân vẫn diễn ra sôi động. Một số loại SIM tứ quý, ngũ quý được rao bán từ hàng trăm tới hàng tỷ đồng.
Đến hết quý I, Việt Nam có khoảng 89,8 triệu thuê bao di dộng. Trước đây, một số trường hợp mua bán SIM với giá trị hàng chục tỷ đồng, nhưng cơ quan thuế gặp khó trong việc thu thuế vì khó xác định việc chuyển nhượng dưới hình thức tài sản cá nhân hay kinh doanh SIM số.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, giai đoạn 2011-2022, thuế thu nhập cá nhân tăng dần qua từng năm và ngày càng chiếm tỷ trọng nhiều hơn tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2011, thu từ lĩnh vực này hơn gần 39.670 tỷ đồng, chiếm 5,33%. Đến năm 2022, thu thuế thu nhập cá nhân đạt 162.944, chiếm gần 9% tổng thu ngân sách nhà nước.
Anh Tú