AP ngày 19/11 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết lô vũ khí mới viện trợ cho Ukraine sẽ bao gồm hệ thống phòng không, trong đó có pháo phản lực HIMARS, cũng như đạn pháo 155mm và 105mm, tên lửa chống tăng Javelin và các thiết bị, phụ tùng khác.
Lô viện trợ mới sẽ được cung cấp thông qua Quyền Điều chỉnh nguồn lực Tổng thống (PDA), cho phép Lầu Năm Góc nhanh chóng rút nguồn cung từ kho dự trữ của quân đội Mỹ để chuyển đến tiền tuyến ở Ukraine.
Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức trong hai tháng tới khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden đang hành động gấp rút để đảm bảo toàn bộ số tiền viện trợ đã được quốc hội phê duyệt cho Ukraine sẽ được giải ngân trong thời gian này để giúp Kiev giành ưu thế khi bước vào mùa đông.
Chính quyền Biden sẽ phải nhanh chóng chuyển giao số vũ khí trị giá 7,1 tỷ USD từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc để chuyển giao cho Ukraine trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2025.
Số tiền này bao gồm khoản hỗ trợ 4,3 tỷ USD trong đạo luật viện trợ nước ngoài mà quốc hội Mỹ thông qua hồi đầu năm nay, cùng 2,8 tỷ USD chưa giải ngân của Lầu Năm Góc.
Khi được hỏi liệu Bộ Quốc phòng Mỹ có thể hoàn thành việc đó trước ngày ông Biden kết thúc nhiệm kỳ hay không, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh chỉ nói các quan chức đang nỗ lực để cung cấp cho Ukraine những gì họ cần.
Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh lo ngại về leo thang trong xung đột Ukraine ngày càng tăng. Hai bên đều đang nỗ lực giành thêm lợi thế, trước khi ông Trump, người nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt chiến sự Ukraine, tiếp quản Nhà Trắng.
Tổng thống Biden tuần này cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga, động thái bị các đồng minh của ông Trump chỉ trích gay gắt.
Theo quan chức Mỹ, Ukraine đã phóng khoảng 8 tên lửa ATACM vào lãnh thổ Nga hôm 19/11 và chỉ hai trong số đó bị đánh chặn. Mỹ đang đánh giá hiệu quả của đòn tập kích, nhưng các nguồn tin cho biết những tên lửa này đã tấn công kho đạn Nga ở Karachev, thuộc vùng Bryansk.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày ký thông qua hàng loạt điều chỉnh về học thuyết vũ khí hạt nhân của đất nước, cho phép dùng vũ khí nguyên tử nếu Nga bị không kích quy mô lớn.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 19/11 cho biết một cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa tầm xa Mỹ có thể khiến Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ nói hiện Washington không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Huyền Lê (Theo AP)