Kết hôn 6 tháng không có thai, chị Giang nghĩ nguyên nhân do chồng. Theo BS.CKI Phan Ngọc Quý, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hình ảnh X-quang cho thấy bệnh nhân bị dính buồng tử cung nặng khiến phôi thai không thể làm tổ. Đây là biến chứng của việc nạo hút thai quá nhiều lần hoặc không đúng kỹ thuật khiến thể tích buồng tử cung giảm.
Chị Giang cho biết từng 11 lần nạo hút thai trong 9 năm. Lần gần nhất, chị mang bầu 12 tuần, định giữ thai bàn chuyện cưới xin nhưng bất thành, đến một phòng khám làm thủ thuật bỏ thai. Từ đó kinh nguyệt của chị Giang thất thường, có chu kỳ kéo dài tới 3 tháng.
Theo bác sĩ Quý, nạo phá thai nhiều lần, đặc biệt khi tuổi thai lớn, dễ gây ra các biến chứng như dính buồng tử cung, tắc, ứ dịch vòi trứng, thậm chí thủng tử cung. Nghiên cứu cho thấy dính buồng tử cung là nguyên nhân chiếm 5% trường hợp vô sinh nữ nói chung, phần lớn là sau nạo hút thai. Tại IVF Tâm Anh, vô sinh nữ do dính buồng tử cung cũng khá cao, 5-7 ca/tuần, chủ yếu do nạo hút thai.
Tùy vào mức độ tổn thương, dính buồng tử cung thường có dấu hiệu kinh nguyệt không đều, rong kinh, bế kinh hoặc vô kinh... Phát hiện trễ, không can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ cao ảnh hưởng khả năng sinh sản. Như chị Giang, lớp đáy của nội mạc tử cung bị tổn thương nặng nề ảnh hưởng việc tái tạo niêm mạc, kết hợp viêm nhiễm khiến thành tử cung phía trước và phía sau dính vào nhau gần như toàn bộ, cản trở phôi thai làm tổ.
Theo bác sĩ Quý, trường hợp này để mang thai cần được phẫu thuật nội soi tách dính tử cung. Tỷ lệ phẫu thuật thành công khoảng 60-70%, song khả năng thụ thai tự nhiên không còn cao. Người bệnh có thể có con bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo (IUI) hoặc thụ tinh ống nghiệm (IVF). Tại IVF Tâm Anh, tỷ lệ IVF thành công sau điều trị tách dính tử cung là 65,5%.
Chị Giang đã lớn tuổi nên được bác sĩ tư vấn thụ tinh ống nghiệm để sớm có con. Bác sĩ chọc hút trứng của người vợ, sau đó thu thập tinh trùng của người chồng tiêm vào bào tương noãn, tạo được 3 phôi ngày 6. Trước khi chuyển phôi, chị Giang được điều trị viêm nhiễm phụ khoa triệt để bằng thuốc và nội soi tách dính buồng tử cung.
Bác sĩ đưa dao điện vào buồng tử cung, tách các vị trí dính và tạo hình lại buồng tử cung theo đúng hình thể giải phẫu. Trong quá trình nội soi, tế bào niêm mạc của chị Giang cũng được thu thập để giải phẫu bệnh, kết quả ghi nhận viêm niêm mạc mạn tính. Chị được điều trị bằng kháng sinh hai tuần kết hợp sử dụng thuốc nội tiết giúp tái tạo niêm mạc.
Đầu năm nay, bác sĩ Quý chuyển một phôi vào buồng tử cung, giúp chị Giang đậu thai. Tháng 11, vợ chồng chị đón con gái chào đời khỏe mạnh ở tuần 39, nặng 3,5 kg.
Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam ghi nhận 1,2-1,6 triệu ca nạo, phá thai mỗi năm trên cả nước, trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên. "Nạo phá thai ở độ tuổi càng sớm, số lần nhiều và tuổi thai càng cao càng tăng các biến chứng về sức khỏe, tâm lý, đặc biệt nguy cơ vô sinh", bác sĩ Quý cảnh báo. Tỷ lệ vô sinh ở nhóm nạo phá thai cao gấp 3-4 lần so với người bình thường. Ngoài ra, thực hiện thủ thuật tại các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh hoặc không đảm bảo an toàn gây nguy cơ cao nhiễm trùng.
Người từng nạo hút thai, có triệu chứng dính buồng tử cung như kinh nguyệt không đều, đau bụng dưới, không có con mặc dù không sử dụng biện pháp tránh thai, cần đến bệnh viện khám. Điều trị sớm dính buồng tử cung giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, trong đó có vô sinh, sảy thai, sinh non, băng huyết sau sinh.
Thanh Ba
20h ngày 27/11, chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề "Những nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn thường gặp - Khi nào có thể mang thai tự nhiên? Khi nào nên làm IUI/IVF?" sẽ được phát trên fanpage VnExpress và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Các chuyên gia Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, tham gia tư vấn gồm TTND.PGS.TS.BS Lê Hoàng, ThS.BS Lê Quang Đô, BS Bùi Thị Hạnh. Độc giả gửi câu hỏi tại đây. |