Năm 2012, nhóm khoa học từ Đại học Barcelona và một vài viện nghiên cứu Australia đã so sánh tác động của việc dùng điện thoại di động khi đang lái xe với việc uống rượu (bia). Kết quả cho thấy, khi nhắn tin, kỹ năng lái xe giảm đi tương đương với người uống rượu có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép 25%. Như vậy, nguy cơ xảy ra tai nạn khi sử dụng điện thoại là rất cao khi người điều khiển phương tiện tập trung vào màn hình mà không tập trung vào việc lái xe. Nghiên cứu này diễn ra khá lâu từ khi điện thoại còn chưa nhiều chức năng như bây giờ.
Bản thân tôi hồi đầu lái xe cũng từng mắc phải lỗi này. Trong tích tắc vì ngó vào màn hình điện thoại khi có tin nhắn mà đầu xe đã quệt vào dải phân cách cứng ở đoạn đường cong từ bao giờ. Giây phút đó khiến tôi nhớ mãi vì thấy thật khủng khiếp, may mắn là còn kịp bình tĩnh đánh lái trở lại và tại thời điểm đó không có phương tiện khác đi gần. Chỉ trong giây lát thôi, trong khi xe mình đang di chuyển, các phương tiện khác cũng đang di chuyển, tâm trí sao nhãng nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Hiện, mỗi ngày ra đường tôi gặp khá nhiều người đi xe máy, ôtô dán mắt vào điện thoại, nhất là những người lái xe công nghệ hoặc vận chuyển hàng. Họ thậm chí có thể đang đi ngột ngột phanh gấp hoặc dừng ngay giữa đường để thao tác trên điện thoại mà không cần biết nhưng phương tiện khác ở xung quanh, đường đông hay đường vắng. Lái xe ôtô cũng vậy, vừa lái xe vừa nghe điện thoại thậm chí còn nhắn tin hay dò tìm đường. Việc đèn giao thông chuyển xanh đồng loạt tiếng còi phát ra để nhắc nhở lái xe nào đó do đang mải điện thoại mà chưa di chuyển là không hiếm gặp. Hoặc có xe đi rề rề giữa đường, vừa lái xe vừa dùng điện thoại gây ùn tắc hàng dài phương tiện phía sau.
Vậy nhưng chúng ta thấy CSGT gần như không xử phạt, hoặc nếu có cũng rất ít trường hợp và làm sao phạt cho xuể những trường hợp này. Vậy phải chăng một lỗi nguy hiểm như uống rượu bia lái xe, nhưng hình thức có vẻ đỡ nguy hiểm hơn, đang bị bỏ lọt một cách đương nhiên như không có chuyện gì xảy ra?
Để giảm thiểu sự nhiễu loạn trong giao thông, song song với việc xử lý mạnh nồng độ cồn, tôi nghĩ cũng nên mạnh tay hơn nữa với những người sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện và các hành vi đe dọa an nguy của người đi đường khác để văn mình giao thông được thiết lập lại trật tự một cách đồng bộ
Độc giả Vũ Vũ