Theo báo cáo kết quả kinh doanh của CP Foods (CPF), công ty mẹ của Charoen Pokphand Việt Nam (CPV), mảng kinh doanh ở Việt Nam của họ ghi nhận doanh thu tăng 5% so với cùng kỳ, khoảng 92,2 tỷ baht (tương đương 68.000 tỷ đồng).
Ngành gia súc, gia cầm là nguồn thu chính của CPF ở thị trường Việt Nam, với 58.943 tỷ đồng, tăng 8%. Trong khi đó, thủy sản giảm 10%, về 9.035 tỷ đồng trong 9 tháng.
Tính theo sản phẩm, thực phẩm và chăn nuôi tăng 8-12%, đạt lần lượt 4.623 tỷ và 45.943 tỷ đồng. Thức ăn chăn nuôi đạt 17.443 tỷ đồng, giảm 9%.
Ngoài ra, thống kê của CPF cũng cho thấy khó khăn trong quý 3 năm nay, khi doanh thu tại Việt Nam giảm 3% riêng quý này, còn 21.106 tỷ đồng. Con số này sụt bất chấp giá thịt lợn và gà tăng một năm trở lại đây.
Kết quả của CP tại Việt Nam vượt trội so với các doanh nghiệp nội ngành chăn nuôi. Cùng thời điểm, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) và doanh nghiệp "heo ăn chay" BAF (BAF) cùng tăng trưởng 8-17%, còn Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) giảm gần 17%.
CPF nắm 29,18% cổ phần CP Việt Nam. 70,82% cổ phần còn lại được họ CPF gián tiếp sở hữu qua công ty con CP Pokphand (CPP). Được thành lập năm 1993, CP Việt Nam là một trong những doanh nghiệp FDI hàng đầu trong ngành nông nghiệp, chăn nuôi trong nước. Hiện họ có 21 nhà máy, hợp tác với hơn 2.500 trang trại cung ứng hàng triệu con heo, gà, cá và tôm mỗi năm.
Trí Khang