Lái xe trên cao tốc tôi ghét nhất hai loại tài xế. Thứ nhất, những tài xế đi kiểu "rùa bò" ôm làn bên trái, kể cả làn giữa. Nếu những người này đi chậm vì dùng điện thoại nhắn tin, lướt mạng xã hội lại càng ghét. Và thứ hai là những lái xe chạy như "ma đuổi" với tốc độ bất chấp.
Loại thứ nhất thì cả cộng đồng lái xe đều dành thái độ gay gắt, đúng thôi. Loại thứ hai có vẻ ưu ái hơn, nhiều người dành lời bao biện. "Người ta đi nhanh, hẳn có việc gấp như chở vợ đi đẻ", "anh trước chạy tối đa 120 km/h là giới hạn cho phép của tuyến cao tốc đó, nhưng anh sau xe sang, phân khối lớn, chạy 200 km/h mà xin đường thì anh 120 km vẫn phải nhường là vì nhỡ kẹt ga, mất phanh", "làn ngược chiều đã có camera và công an xử lý, sao ta không tạm nhường cho đỡ ách tắc mà cứ phải ra oai ép lùi, lại được cộng đồng hể hả cổ súy". Anh lấn làn ngược chiều nhỡ cũng đưa vợ đi đẻ khác gì anh chạy nhanh như ma đuổi trên cao tốc đều giống ở từ "vội", cùng là hai mặt của một vấn đề, đúng không.
Luật GTĐB quy định cả điều kiện vượt xe và điều kiện nhường xe, chứ không phải chỉ mỗi điều kiện nhường xe. Anh xe chạy 120 km/h, tôi cũng đưa vợ đi đẻ đấy, tôi chạy đúng làn đúng tốc độ, rất chi là khẩn cấp đấy, nhưng tôi vẫn tuân thủ luật. Làn bên cạnh cũng 120 km/h giống làn ngoài tôi đang đi sao anh không vào đấy, cứ lắc lư làn ngoài chớp pha, còi thúc giục. Chạy quá tốc độ cho phép là hành vi bị "nghiêm cấm" trong Luật, điều đó nói lên không đủ điều kiện an toàn để vượt.
Tùy mức đầu tư, thiết kế, kết cấu hạ tầng kỹ thuật... mỗi cao tốc quy định giới hạn tốc độ khác nhau để khai thác vận hành an toàn, vượt quá lớn tốc độ tối đa là hành vi nguy hiểm, bị xử lý hình sự nếu gây tai nạn nghiêm trọng. Mặt khác, cao tốc Việt Nam không có quy định làn dành riêng cho xe vượt. Vậy thì tất cả những xe chạy quá tốc độ tối đa cho phép trên cao tốc mà cố vượt những xe đang chạy tối đa phía trước đều không nên.
Cố xin vượt, người ta nhường chẳng qua là văn hoá, chứ người ta cứ tốc độ tối đa mà đi không sai về luật, chỉ khi chạy chậm mà cố ôm làn không cho vượt mới sai. Khi nhường xe sau chạy 200 km/h, xe đang chạy 120 km/h phải xi-nhan xin vào làn trong, an toàn mới nhập vào làn giữa. Khổ nỗi làn giữa có xe ập tới, gặp tình huống này cũng thật trớ trêu.
Hơi oái oăm cao tốc 4 làn mỗi bên thì hai làn ngoài cùng tốc độ cao, làn trong tốc độ thấp hơn, rồi đến làn dừng khẩn cấp, không có làn vượt. Cho nên để giải quyết những bất cập về việc không có làn dành riêng cho xe vượt trên cao tốc hiện nay, ngoài việc tham gia giao thông có văn hoá, cần phải điều chỉnh hành vi bằng quy định của Luật giao thông mới, với những điều khoản dành riêng cho cao tốc và chế tài nghiêm đi kèm kiểm soát bằng công nghệ hiện đại. Có như vậy mới chấm dứt hoặc hạn chế hành vi ôm làn ngoài, cũng như chạy vượt qua tốc độ cho phép trên cao tốc.
Luật GTĐB hiệu lực từ 2008, năm mà Việt Nam chưa có cao tốc hoàn chỉnh. Cao tốc TP HCM - Trung Lương là cao tốc đầu tiên của cả nước, khởi công 2004 đến 2010 mới đưa vào khai thác. Luật lúc này trên đường cao tốc rất sơ sài, vẻn vẹn quy tắc ra vào, nhập làn, chuyển làn, tốc độ, khoảng cách, làn dừng khẩn cấp... Còn vẫn dùng quy tắc chung ở đường thấp cấp bê lên, nên nhiều bất cập khi chạy trên cao tốc là đương nhiên.
Cuối năm 2023 mạng lưới đường cao tốc của nước ta có tổng chiều dài 1.852 km, đang triển khai xây dựng 1670 km. Đến 2030 phấn đấu đạt trên 5.000 km đường cao tốc. Do vậy, cần điều chỉnh luật, quy định quy tắc TGGT trên đường cao tốc sao cho thực tế, đặc thù, hội nhập và hướng tới tương lai là đòi hỏi cấp thiết.
Độc giả Nguyễn Phúc Tâm