Khung gầm thông minh tích hợp (CATL Integrated Intelligent Chassis - CIIC) gồm gói pin, các môtơ điện và một số linh kiện quan trọng khác. Tất cả được đặt vào cùng một lớp ở gầm xe, giúp giảm chi phí, trọng lượng và mức tiêu thụ năng lượng, trong khi tối ưu không gian cabin cũng như trải nghiệm lái.
Trong clip, chiếc xe điện đặc biệt chạy quanh một vòng xuyến, có thể trong một khu vực nội bộ của hãng. Trong vòng xuyến, có một số người đứng xem.
Theo CarNewsChina, các khán giả có thể chính là người của Huawei khi đến tham quan trụ sở của CATL để kiểm tra bộ khung gầm mới. Hãng sản xuất pin Trung Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Huawei vào tháng 12/2022. Hai bên cũng chính là các đối tác hỗ trợ công nghệ cho thương hiệu xe điện Avatr thuộc hãng xe Changan (Trường An).
Cách đây ít tuần, CATL thông báo nền tảng ván trượt đã hoàn thành quy trình thử nghiệm tại Trung Quốc. Xe sử dụng loại khung gầm này là một mẫu sedan cỡ B, với mức tiêu hao năng lượng là 10,5 kWh/100 km, với hành trình 1.000 km mỗi lần sạc. Dung lượng tối ưu đạt 75%. Xe có thể đi được 300 km sau khi sạc chỉ trong 5 phút.
Trong khi kết cấu khung gầm dạng ván trượt có những cải tiến như trên, thì nhiều người bày tỏ sự lo ngại, rằng chi phí sửa chữa sẽ trở thành điểm yếu với nền tảng này. Sự tích hợp những thứ quan trọng vào cùng một chỗ có thể khiến những hư hỏng cơ bản cũng dẫn tới sự khắc phục phức tạp.
Tháng 10 vừa qua, CATL và hãng xe điện Neta đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển nền tảng này. Cách đây một năm, tháng 10/2022, CATL cũng đã ký kết hợp tác với hãng xe Việt VinFast, phát triển khung gầm thông minh tích hợp pin.
CATL chia sẻ, rằng CIIC sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào quý III/2024. Cùng thời điểm, mẫu xe Neta đầu tiên sử dụng kiểu khung gầm mới sẽ bán ra thị trường Trung Quốc. Một số hãng khác dường như cũng áp dụng công nghệ này cho xe điện, như Huawei.
Mỹ Anh