Vào 2019, một bài khảo sát do Hyundai thực hiện với 2.000 tài xế tại Anh cho thấy có đến 18% nghĩ xe điện không an toàn khi lái dưới thời tiết mưa bão, sấm chớp, đây là thời điểm xe điện chưa được phổ biến so với hiện nay.
Trên thực tế, các xe điện được sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, vượt qua các bài thử nghiệm trên thế giới để có thể giao đến tay khách hàng. Do đó, mức độ an toàn khi lái xe điện trong thời tiết mưa bão không khác với xe xăng, vì hầu hết các xe điện được trang bị nhiều hệ thống an toàn để bảo vệ các linh kiện quan trọng khỏi tác động của nước, và bảo vệ tính mạng cho người sử dụng.
Ngoài ra, sạc xe điện dưới trời mưa khá an toàn. Các trụ sạc ngoài trời cũng như cổng sạc của xe được thiết kế để chịu các yếu tố khắc nghiệt của thời tiết trong thời gian dài. Do đó, tài xế có thể cắm/rút sạc khi đang mưa. Tuy nhiên, việc sạc có thể bị gián đoạn nếu đầu sạc, mối nối bị ướt, tài xế có thể lau khô các bộ phận này rồi thử kết nối lại. Không nên sạc dưới trời mưa nếu dùng loại sạc di động nhỏ gọn, ổ cắm dân dụng đơn thuần.
Đa số các loại sạc ngoài trời tại Việt Nam có mức độ chống bụi/nước là từ IP5 đến IP68, tùy vào nhãn hiệu. Thông thường, chỉ số chống nước sẽ tăng khi cắm sạc, ví dụ trụ sạc của VinFast có chỉ số chống bụi/nước là IP55 khi cắm vào xe, IP54 khi không cắm vào xe.
Về vận hành, một số người nghĩ rằng xe điện không có họng gió, nên không thể bị thủy kích khi lội nước, do đó khả năng lội nước của xe tốt hơn so với xe xăng. Nhận định trên chỉ đúng một phần là xe điện không thể bị thủy kích khi lội nước, tuy nhiên đây không phải là yếu tố xác định khả năng lội nước của xe. Ví dụ như khả năng lội nước của mẫu Audi Q8 và biến thể xe điện Q8 e-tron đều có cùng độ sâu lội nước đối đa là 500 mm.
Các xe điện hiện nay không được thiết kế để lội nước kéo dài. Mức độ chống nước thường thấy của các bộ phận, linh kiện quan trọng trên xe điện thường là IP68, có nghĩa có thể hoạt động bình thường khi ngâm nước liên tục 30 phút, ở độ sâu 1,5 m. Có nghĩa rằng khả năng chống nước trên xe điện có giới hạn, và có thể suy giảm theo thời gian vì hao mòn. Chính vì thế việc cho xe lội nước sâu chỉ thực hiện khi cần thiết, không còn cách nào khác.
Khi đi qua các vũng nước sâu, cho dù xe điện hay xăng, vẫn có khả năng mất lái do bánh không còn độ bám. Do đó nếu gặp đoạn đường ngập, không xác định được độ sâu mực nước, chủ xe điện không nên lái qua, thay vào đó chờ nước rút. Chỉ đi qua vũng nước sâu khi mực nước không vượt quá nửa bánh xe, và đi chậm khi di chuyển trên vũng nước để tránh gây hiện tượng sóng cuộn về hai phía, gây ảnh hưởng những người đi xe máy.
Bên cạnh đó, xe điện thường có những nước ga đầu nhanh, mạnh hơn xe xăng. Khi trời mưa, đường trơn, tài xế nên chỉnh chế độ lái về Eco hoặc Rain để giảm độ thốc của chân ga, nhằm ngăn hiện tượng trượt bánh, giúp xe dễ kiểm soát tốc độ hơn, ngoài ra nên giữ khoảng cách an toàn xa hơn khi lái xe dưới mưa. Cuối cùng, sau khi lội nước hoặc đi mưa, chủ xe nên vệ sinh hoặc xịt rửa gầm, nhằm tránh nước bẩn đọng trên xe khiến đẩy nhanh quá trình ăn mòn, hoặc lão hóa sớm các gioăng chống nước.
Hồ Tân