Cảnh sát Tanner Seal đỗ xe bên lề đường cao tốc 78 và phát hiện một người đi môtô chạy qua, hôm 19/10. Seal đo được tốc độ của chiếc môtô là 80 dặm/h (129 km/h) trong khu vực giới hạn 60 dặm/h (97 km/h). Vì vậy, Seal đuổi theo.
Người điều khiển môtô tăng ga khi phát hiện có xe cảnh sát phía sau. Khi xe cảnh sát gần đuổi kịp, chiếc môtô lại tăng tốc vọt đi. Seal báo qua điện đàm về trung tâm rằng "Anh ta đang chơi trò đuổi bắt với tôi". Hai phương tiện nhiều lần vượt quá tốc độ 100 dặm/h (161 km/h) trong cuộc rượt đuổi.
Đến một điểm giao cắt, người điều khiển môtô giảm tốc để rẽ trái và Seal chớp lấy cơ hội, đánh lái khiến ôtô đâm vào đối phương. Nhân vật bỏ trốn, Michael E., ngã lộn vòng và nhanh chóng bị bắt giữ.
Theo báo cáo, người đàn ông này không có lệnh bắt hoặc bất kỳ lý do quan trọng nào để bỏ chạy. Tuy nhiên, hành động chạy trốn đã khiến anh ta phải đối mặt với một loạt cáo buộc, bao gồm: trốn tránh cảnh sát, lái xe không có giấy phép, sử dụng sai tín hiệu xi-nhan, chuyển làn đường không đúng cách, lái xe không có bảo hiểm và lái xe ẩu.
Thực tế, kỹ thuật đánh lái PIT (precision immobilization technique - kỹ thuật vô hiệu hóa chính xác) thường được cảnh sát Mỹ áp dụng để đối phó với người không dừng xe theo yêu cầu, nghi phạm chạy trốn... Thông thường, PIT vốn chủ yếu áp dụng với ôtô. Tuy nhiên, trong những trường hợp tương tự, cảnh sát vẫn có thể dùng PIT với cả những loại phương tiện khác, như môtô trong video.
Theo BSR, kỹ thuật này ban đầu do cảnh sát liên bang Đức xây dựng và phát triển nhằm giúp mật vụ đối phó với chủ phương tiện có ý định đe dọa đoàn xe hộ tống. Tới 1985, kỹ thuật PIT được phòng cảnh sát hạt Fairfax, bang Virginia, Mỹ tiếp thu có điều chỉnh, nhằm giúp cảnh sát chặn đứng phương tiện vi phạm pháp luật một cách an toàn. Cách này giờ đây nhiều cơ quan thực thi pháp luật sử dụng trên khắp nước Mỹ.
Mỹ Anh (theo Carscoops)