Với chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, người Ukraine đang đối mặt với một bước thay đổi chính sách gần như chắc chắn của Mỹ trong bối cảnh họ đang chịu áp lực ngày càng gia tăng từ Nga.
Lực lượng Nga đã tăng đáng kể đà tiến trong những tháng gần đây, giành thêm nhiều lãnh thổ, đẩy Ukraine vào tình thế rất khó khăn ở vùng Donbass. Nhiều quốc gia đang thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để tìm ra một giải pháp trên bàn đàm phán, song không có nhiều triển vọng.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã chỉ trích cách Tổng thống Joe Biden xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine, cảnh báo rằng điều đó khiến nguy cơ xảy ra thế chiến III cao hơn và Kiev đã "lừa" Washington để có được hàng tỷ USD vũ khí miễn phí.
Ông tuyên bố có thể giải quyết xung đột một cách nhanh chóng, đưa hai bên vào bàn đàm phán, nhưng không tiết lộ sẽ làm như thế nào. "Tôi không thể cung cấp cho bạn những kế hoạch đó vì nếu đưa ra, tôi sẽ không thể sử dụng chúng được nữa", ông nói trong chiến dịch.
Trên thực tế, theo các đồng minh của ông, Trump chưa chuẩn bị một kế hoạch hòa bình cụ thể nào, trong đó có cả cách ông sẽ thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngồi vào bàn đàm phán.
Giống như nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, các phe phái khác nhau trong đảng Cộng hòa sẽ ganh đua để tác động đến chính sách đối ngoại của chính quyền mới. Các đồng minh có tư tưởng truyền thống hơn như Mike Pompeo, cựu ngoại trưởng đang chạy đua vào ghế lãnh đạo Lầu Năm Góc, có khả năng sẽ thúc đẩy một giải pháp dường như không mang lại lợi thế lớn cho Nga.
Các cố vấn khác, đặc biệt là Richard Grenell, ứng viên hàng đầu cho vị trí lãnh đạo Bộ Ngoại giao hoặc cố vấn an ninh quốc gia, có thể ưu tiên mong muốn của Trump là chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt, ngay cả khi điều đó có nghĩa là buộc Ukraine phải nhượng bộ đáng kể về lãnh thổ.
Tất cả đề xuất trên đều trái ngược với cách tiếp cận của Tổng thống Biden là để Ukraine tự quyết định thời điểm bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Đề xuất mà các cố vấn của ông Trump đưa ra đều là đóng băng giao tranh tại chỗ, công nhận hiện trạng Nga đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine trước xung đột, đồng thời buộc Kiev đình chỉ nỗ lực gia nhập NATO.
Một ý tưởng đang nổi lên bên trong văn phòng chuyển giao quyền lực của ông Trump, được ba người thân cận với Tổng thống đắc cử nêu chi tiết và chưa từng có trước đây, sẽ yêu cầu Ukraine cam kết không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm. Đổi lại, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga trong tương lai.
Theo kế hoạch đó, tiền tuyến về cơ bản sẽ được cố định và cả hai bên sẽ đồng ý với một khu phi quân sự có chiều dài khoảng 1.300 km. Ai sẽ giám sát vùng lãnh thổ này vẫn chưa rõ ràng, nhưng một cố vấn cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ không liên quan đến quân đội Mỹ, cũng không đến từ một tổ chức quốc tế do Mỹ tài trợ, như Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi có thể cung cấp những hỗ trợ khác, nhưng cầm súng sẽ là nhiệm vụ của châu Âu", một thành viên trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump cho biết. "Chúng tôi sẽ không gửi quân nhân Mỹ đến để duy trì hòa bình ở Ukraine. Và chúng tôi không trả tiền cho việc đó. Hãy để người Ba Lan, người Đức, người Anh và người Pháp làm điều này".
Đề xuất trên ở một số khía cạnh có phần giống với những bình luận mà Phó tổng thống đắc cử JD Vance đưa ra trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9, khi ông gợi ý rằng thỏa thuận cuối cùng giữa Ukraine và Nga có thể liên quan đến việc thiết lập một khu phi quân sự "được củng cố nghiêm ngặt để Nga không tấn công nữa".
Theo ông, Nga sẽ giữ được những vùng đất mà họ đã kiểm soát ở Ukraine và được đảm bảo về tính trung lập của Kiev.
"Ukraine sẽ không gia nhập NATO, cũng như không gia nhập một số tổ chức đồng minh tương tự thế", Vance nói trong chương trình podcast "The Shawn Ryan Show".
Đầu năm nay, Keith Kellogg và Fred Fleitz, những người từng phục vụ trong nhiệm kỳ đầu của Trump, đã trình bày với ông một kế hoạch trong đó gợi ý trì hoãn cung cấp vũ khí cho Ukraine tới khi Kiev đồng ý đàm phán hòa bình với Moskva. Ukraine vẫn có thể cố gắng giành lại lãnh thổ đã mất, nhưng sẽ phải thực hiện thông qua đàm phán ngoại giao.
Không rõ Trump sẽ theo đuổi chiến lược nào trong số này. Nhưng bất kỳ nỗ lực nào nhằm khởi động quá trình đàm phán hòa bình Nga - Ukraine, chưa nói đến việc hoàn tất nó, đều phải đối mặt hàng loạt thách thức.
Đầu tiên, Ukraine và Nga vẫn có những mục tiêu rất khác nhau và ít mong muốn thay đổi chúng. Với quân đội Nga đang tiến chậm nhưng đều đặn ở Ukraine, Điện Kremlin đã cho thấy họ ít có khuynh hướng đàm phán và đã thể hiện lập trường sẵn sàng tiếp tục chiến dịch cho đến khi đạt được tất cả mục tiêu đề ra, trong đó có "phi quân sự hóa chính quyền Ukraine".
"Mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt này vẫn không thay đổi và sẽ đạt được", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, đăng trên X hôm 6/11, sau khi biết tin Trump đắc cử.
Kế hoạch của Trump nhiều khả năng sẽ vấp phải những tiếng nói phản đối mạnh mẽ từ một số đồng minh NATO ở châu Âu, những người coi hành động của Nga ở Ukraine là mối đe dọa trực tiếp đối với họ.
Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cho biết bà không hay biết về bất kỳ đề xuất nào từ nhóm Trump nhưng tuyên bố "sẽ không có đàm phán nếu Ukraine không đồng ý đàm phán và theo điều kiện của họ".
Ukraine đang phụ thuộc rất lớn vào viện trợ quân sự và tài chính từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Vì thế, lãnh đạo Ukraine có thể phải chịu áp lực đàm phán từ Trump lớn hơn nhiều so với Tổng thống Nga. Tuy nhiên, nếu chấp nhận đàm phán, Tổng thống Zelensky sẽ phải đối mặt chỉ trích mạnh mẽ từ những người dân coi việc nhượng bộ lãnh thổ là hành động đầu hàng trước Moskva. Đây chắc chắn là lựa chọn không dễ dàng.
Trump từng nói rằng tồn vong của Ukraine rất quan trọng đối với Mỹ, nhưng đã nhiều lần chỉ trích Zelensky, gọi ông là "người bán hàng vĩ đại nhất" vì đã thuyết phục được Mỹ và châu Âu chuyển giao hàng trăm tỷ USD viện trợ. Lập trường thiên về tài chính này khiến nhiều quan chức ở Kiev lo ngại một nước Mỹ do Trump lãnh đạo có thể thúc đẩy những giải pháp có lợi cho Nga.
Tổng thống Zelensky hôm 6/11 đã chúc mừng Tổng thống đắc cử Trump, nhắc tới cuộc gặp giữa họ vào tháng 9 tại New York, đồng thời ca ngợi cách tiếp cận "hòa bình thông qua sức mạnh" của ông trong các vấn đề toàn cầu.
Lãnh đạo Ukraine cũng cho biết ông đã nói chuyện qua điện thoại với Trump và thêm rằng cả hai đều "đồng ý duy trì đối thoại chặt chẽ và thúc đẩy hợp tác".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)