Chính sách đưa ra vào đầu tháng 11 nằm trong nỗ lực tăng cường bảo vệ lao động nữ. Họ được phép nghỉ hai ngày trong chu kỳ kinh nguyệt với giấy xác nhận của bác sĩ. Người lao động cũng được hưởng phúc lợi bổ sung như phụ cấp băng vệ sinh trị giá ít nhất 5 USD hoặc các sản phẩm tương đương.
Chủ đề "ngày phép kinh nguyệt" đã thu hút 100 triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội Weibo mở ra cuộc tranh luận về khoảng cách của chính sách và thực tiễn.
Nhiều phụ nữ ngạc nhiên bởi họ chưa bao giờ nghe đến chế độ này trong khi những người khác bị rào cản về thủ tục, chẳng hạn như yêu cầu phải có giấy của bác sĩ và nỗi sợ kỳ thị ở nơi làm việc.
Ở nhiều doanh nghiệp, nghỉ phép thường bị chỉ trích khiến phụ nữ ngại nộp đơn. Đồng thời, kinh nguyệt thường được xem là vấn đề riêng tư. Họ phải chịu đựng cơn đau trong im lặng hoặc giải quyết một cách kín đáo. Một số người phải dùng thuốc giảm đau để vượt qua ngày làm việc hoặc dùng ngày phép hàng năm để nghỉ ngơi.
Zoey Zhang, 27 tuổi, làm việc ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến chưa bao giờ sử dụng phúc lợi này. Cô nói yêu cầu về chẩn đoán của bác sĩ rất không thực tế.
"Làm sao tôi có thể đến bệnh viện khi đang đau đớn?", cô nói. Cô tin rằng yêu cầu này khiến chính sách chỉ tồn tại trên giấy tờ.
Mặt khác, văn hóa cạnh tranh ở nơi làm việc khiến Zoey Zhang cảm thấy nghỉ phép năm còn khó khăn, huống hồ nghỉ đau bụng.
Đau bụng kinh phổ biến với hơn một nửa số phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt cảm thấy khó chịu trong một hoặc hai ngày mỗi tháng. Báo cáo năm 2021 về sức khỏe phụ nữ Trung Quốc cho thấy 1/3 phụ nữ phải chịu đựng cơn đau vừa phải trong khi 10% chịu cơn đau dữ dội, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Cece Zhang, doanh nhân ở Thượng Hải, là người thúc đẩy chế độ nghỉ kinh nguyệt ở công ty mình. Bà cho biết định kiến xã hội về kinh nguyệt thường khiến phụ nữ ngần ngại. Họ vẫn cảm thấy xấu hổ về những điều cơ bản như mang băng vệ sinh ra ngoài nơi công cộng.
"Tôi đã nói về chế độ nghỉ kinh nguyệt trong quá trình tuyển dụng dù một số người vẫn ngần ngại sử dụng", bà nói. Họ cảm thấy không cần thiết hoặc không chắc chắn khi nào thì dùng ngày phép. Trong khi đó, Gen Z được cho là những nhân viên tự tin hơn khi sử dụng phúc lợi này.
Zhang Xue, luật sư công ty luật Yingke Bắc Kinh, nói nhiều nhà tuyển dụng lo ngại về việc sử dụng ngày phép sai mục đích và chi phí lao động tăng cao.
Một nhà tuyển dụng nói việc cho phép nhân viên nữ nghỉ hai ngày mỗi tháng vì lý do đau bụng kinh có thể kéo dài tới 24 ngày một năm, tạo ra sự thâm hụt nhân sự.
"Lao động nữ đã có thời gian nghỉ sinh con. Việc thêm thời gian nghỉ kinh nguyệt làm tăng chi phí lao động", ông nói. "Điều này có thể khiến các công ty ưu tiên tuyển dụng lao động nam".
Luật sư Zhang cho biết chính phủ cần linh hoạt chính sách để chế độ nghỉ kinh nguyệt trở nên thiết thực.
"Người sử dụng lao động nên hỗ trợ nhu cầu của nhân viên nữ trong khi xã hội phải nỗ lực xóa bỏ định kiến và thúc đẩy sự tôn trọng quyền của phụ nữ", bà nói.
Guan Qingao, 26 tuổi, ở Bắc Kinh, đã từng trải qua cơn đau bụng dữ dội khiến quằn quại, chóng mặt và nôn mửa ở văn phòng. Đồng nghiệp phải đưa cô đến bệnh viện.
Cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy công ty của Guan đưa ra chế độ nghỉ kinh nguyệt, cho phép phụ nữ nghỉ một ngày bằng cách gửi ảnh chụp màn hình từ ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của họ.
Quy trình trên là riêng tư, chỉ nhân viên và người quản lý nhân sự biết.
"Kinh nguyệt là quá trình sinh học tự nhiên, giống như ăn hoặc ngủ", cô nói. "Nó xứng đáng được thảo luận cởi mở và giải pháp có hệ thống".
Ngọc Ngân (Theo Sixth Tone)