Tiến sĩ, nhà tâm lý học người Mỹ Mark Travers chỉ ra ba điều bạn luôn cần nói ra trong hôn nhân.
Khi tức giận
Nhiều người sợ cãi vã, bất đồng nên che giấu những tức tối trong lòng, vì nghĩ nó không đáng. Nhưng sự im lặng hay tránh né chỉ khiến những bức xúc trong lòng âm ỉ.
Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy, mọi người thường chọn cách im lặng vì muốn tách mình ra khỏi tổn thương, trừng phạt đối tác, hy vọng bạn đời tự biết hay đơn giản không muốn làm đối phương tổn thương.
Dù lý do này có vẻ hợp lý, nhưng thực chất chúng không phải sự lành mạnh của mối quan hệ. Im lặng tạm thời tránh xung đột, nhưng hiếm khi là giải pháp. Khi bạn chọn che giấu cảm xúc, chỉ khiến đối phương bối rối và lo lắng, thậm chí không biết mình là nguyên nhân gây khó chịu.
Thiếu giao tiếp làm những vấn đề nhỏ lớn lên. Khi nói ra suy nghĩ của mình, bạn vừa thể hiện sự tôn trọng đối tác và mối quan hệ, vừa cho bạn đời có cơ hội hiểu, phản hồi tích cực.
Khi cần an ủi
Ai cũng có lúc thèm khát tình yêu và sự an ủi. Nhu cầu được nghe xác nhận rằng bạn vẫn được yêu, được trân trọng hay được mong muốn, việc tìm sự xác nhận là bình thường.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ lại những cảm xúc đó vì sợ bị nghĩ mình phụ thuộc, yếu đuối và bất an. Đặt câu hỏi ''Anh vẫn yêu em chứ?'' hoặc ''Em vẫn hấp dẫn anh chứ?'', có thể khiến bạn ngượng ngùng và tổn thương, nhưng nhu cầu được an ủi này, theo nhà tâm lý Mark Travers, không hề đáng xấu hổ.
Nó không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà lành mạnh và quan trọng để duy trì mối quan hệ.
Một nghiên cứu năm 2021, tại Nhật Bản phát hiện tìm kiếm sự trấn an giúp duy trì kết nối cảm xúc, sự hài lòng trong mối quan hệ của cả hai.
Khi yêu cầu sự xác nhận, bạn trao cho đối phương cơ hội đáp ứng nhu cầu tình cảm và thể hiện sự quan tâm theo cách hữu hình. Điều này làm tăng cử chỉ yêu thương, tình cảm và sự hỗ trợ.
Ngược lại, kìm nén nỗi bất an có thể khiến bạn thấy cô đơn và bực bội. Nếu bạn đời không biết, họ không có cơ hội trấn an. Theo thời gian, những cảm xúc không nói ra này lớn dần sẽ làm bạn cô lập hơn.
Khi đang nghi ngờ mối quan hệ
Có thể bạn lo đối tác mất hứng thú hoặc tự hỏi liệu hai bạn có hòa hợp lâu dài hay không. Dù lý do là gì, bạn giữ chúng cho riêng mình.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên Human Communication Research phát hiện các đôi không trao đổi về những nghi ngờ trong mối quan hệ có khả năng chia tay cao hơn.
Ngược lại, những đôi công khai thảo luận về mối quan tâm của mình với nhau, thậm chí tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè và gia đình, thường giải quyết được nghi ngờ và ở cạnh nhau lâu hơn.
Dù không dễ nói ra, nhưng có thể bạn đời cũng cảm thấy điều gì đó tương tự hoặc đưa ra lời trấn an bạn chưa từng nghĩ đến. Cuộc trò chuyện khó khăn đến đâu cũng cho cả hai cơ hội khám phá những nghi ngờ này chỉ là thoáng qua hay là dấu hiệu của những vấn đề sâu sắc hơn cần được giải quyết.
Nhật Minh (Theo Psychology Today)