Sáng 23/11, Chính phủ trình Quốc hội Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp sửa đổi.
Thay mặt Chính phủ đọc tờ trình, Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết Luật hiện hành thể hiện sự chi tiết, bó hẹp về cách tiếp cận, hạn chế tính tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn, tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Quy định hiện nay còn thể hiện sự "can thiệp hành chính" của nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp; chưa bao quát được công tác quản lý dòng vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, chưa bao gồm nội dung sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Do đó, Chính phủ nhìn nhận cần thiết điều chỉnh việc sử dụng vốn, tài sản theo hướng "đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp". Quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ được giao cho doanh nghiệp quyết định.
Quy định như vậy nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.
Theo phương thức mới, Nhà nước chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ với vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu vốn, bình đẳng với các nhà đầu tư khác. Vốn nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp sẽ được xác định là tài sản của pháp nhân doanh nghiệp, thay vì đồng nhất với tài sản của Nhà nước như cách hiểu trước đây.
Sự thay đổi này sẽ giúp doanh nghiệp có vốn nhà nước được chủ động hơn, quyết định kinh doanh, đầu tư, huy động vốn sẽ không còn bị phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với tư cách một chủ thể kinh tế hoạt động theo nguyên tắc thị trường và quy định pháp luật doanh nghiệp.
Việc này không chỉ tăng tính linh hoạt mà còn tạo ra môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân, góp phần nâng cao sức cạnh tranh.
Dự thảo Luật cũng tăng phân cấp, quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp. Thay vì tập trung quyền quyết định ở Thủ tướng, dự thảo trao nhiều quyền tự chủ hơn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và lãnh đạo doanh nghiệp.
Các dự án đầu tư thuộc nhóm A hoặc có tổng mức đầu tư vượt 50% vốn điều lệ sẽ được cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định, trong khi những dự án khác giao doanh nghiệp tự quyết định. Sự phân cấp này giảm tải công việc sự vụ cho Thủ tướng, đảm bảo vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn như một nhà đầu tư thực thụ, đồng thời tăng tính linh hoạt trong quá trình ra quyết định.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh nói Ủy ban tán thành quan điểm xây dựng Luật của Chính phủ, cho rằng dự luật thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Việc này đảm bảo doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dự luật tăng cường kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp trong dự thảo luật chưa bao quát hết các loại hình doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ lưu ý có quy định riêng doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, một số nội dung tại dự thảo chưa thực sự phù hợp với quan điểm "phân cấp, phân quyền" cho doanh nghiệp và còn can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Một số quy định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp chưa thống nhất với quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công.
Do đó, Ủy ban đề nghị cần rà soát kỹ các quy định để tránh chồng chéo, mâu thuẫn về khái niệm, về quản lý nhà nước, về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Trường hợp đầu tư dự án sản xuất kinh doanh bằng vốn của doanh nghiệp thì do Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Chủ tịch Công ty quyết định và chịu trách nhiệm.