Kiều Anh (TP HCM) mới lái xe được 3 tháng, rất sợ cao tốc vì luôn bị xe khác "điền vào chỗ trống" phía trước khi cô đã giữ đủ khoảng cách an toàn. Một số trường hợp đường đông, dòng xe di chuyển chậm khiến khoảng trống phía trước bị thu hẹp, vẫn có xe cố gắng chen vào. Trong những lúc này, Kiều Anh chỉ biết giảm tốc độ, hoặc chuyển sang làn bên cạnh nếu trống xe.
"Tôi rất sợ vì nếu không kịp phanh sẽ tông xe phía trước, mà phanh gấp quá thì xe phía sau tông", Kiều Anh chia sẻ.
Nếu Kiều Anh bị đưa vào thế nguy hiểm khi cao tốc đông xe, thì Anh Khoa (TP HCM) đã nhiều lần cảm thấy không an toàn vì có xe bám quá sát đuôi. Khoa đã lái xe được 3 năm, luôn giữ tốc độ cao nếu điều kiện cho phép, nhằm không cản trở các xe khác phía sau mình.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp tài xế khác bám đuôi, không giữ khoảng cách an toàn, đặc biệt là khi vượt. "Có lần tôi nhá phanh khiến xe phía sau phanh gấp, lết nhẹ. Nghĩ lại tôi thấy không đáng, vì lỡ họ không phanh kịp sẽ tông xe tôi, hoặc khiến họ bị tông từ phía sau", Khoa nói.
Cách đưa bản thân ra khỏi những tình huống nguy hiểm trên cao tốc
Giữ khoảng cách là yêu cầu tối thiểu để giữ an toàn, tránh tai nạn liên hoàn. Luật Việt Nam, cũng như các quốc gia khác có quy định rõ về khoảng cách an toàn tối thiểu dựa theo tốc độ, nhưng vẫn còn nhiều tài xế bất chấp, đưa xe vào khoảng trống giữa hai xe khác, làm tăng rủi ro xảy ra va chạm liên hoàn.
Trong trường hợp khi đang giữ đủ khoảng cách an toàn với xe phía trước, có xe khác chen vào giữa, tài xế có 2 cách để xử lý tình huống. Cách đầu tiên là giảm tốc độ từ từ để tăng khoảng cách an toàn, cách làm này phù hợp khi phía sau trống xe. Cách thứ hai là chuyển làn nếu đủ điều kiện.
Nếu gặp phải tình huống có xe bám sát phía sau, không giữ khoảng cách an toàn, tài xế có thể cân nhắc việc chuyển cho xe phía sau vượt. Không nên ngăn cản xe khác vượt xe của mình, ngay cả khi đang chạy tốc độ tối đa cho phép trên đường, vì việc cản cho xe khác vượt sẽ đưa bản thân vào thế nguy hiểm.
Bên cạnh đó, không nên "dọa" các xe đang bám sát phía sau bằng cách nhấn phanh, vì việc này tăng nguy cơ xảy ra tai nạn liên hoàn. Thay vào đó giữ tốc độ ổn định, và ưu tiên chuyển làn để cắt đuôi. Thông thường lý do bị bám đuôi là vì di chuyển với tốc độ chậm hơn mức cho phép. Do đó, tài xế cần đi vào làn bên phải nếu đi tốc độ chậm, chừa làn bên trái cho các phương tiện khác vượt, hoặc di chuyển với tốc độ nhanh hơn.
Ngoài ra, nếu không thể chuyển làn trên cao tốc, và đang trong tình huống bị "kẹp" giữa hai xe, tài xế có để chếch nhẹ sang phía bên trái, đi kiểu so le để quan sát rõ hơn dòng xe phía trước, giúp việc phán đoán thời điểm để phanh phanh trở nên dễ dàng hơn, qua đó hạn chế nguy cơ bị tai nạn dồn toa.
Hồ Tân