"Tôi hy vọng ở đây hơn các trường địa phương", người mẹ ở Seoul, nói.
Vanuatu, quốc gia gồm 83 đảo ở nam Thái Bình Dương, là thiên đường du lịch nhưng đang thu hút nhiều người Hàn bởi lý do "có thể mua quốc tịch".
Ở Hàn Quốc, các trường quốc tế được Bộ Giáo dục công nhận thường chỉ dành cho học sinh có cha hoặc mẹ mang quốc tịch nước ngoài hoặc trẻ đã sống ở nước ngoài ít nhất ba năm.
Bae muốn con mình được học trong môi trường đa văn hóa. Nếu cô trở thành công dân Vanuatu, con trai cô sẽ đủ điều kiện để nhập học trường quốc tế.
Mặt khác, chương trình quốc tịch đầu tư ở các đảo quốc vùng Caribbean và Thái Bình Dương đang nổi lên trong giới nhà giàu Hàn Quốc.
Để mua quốc tịch Vanuatu, họ thường yêu cầu đầu tư vào quốc gia này hoặc đơn giản là khoản đóng góp tiền mặt 130.000 USD một người, 150.000 USD cho vợ chồng và 180.000 USD cho gia đình bốn người.
"Vanuatu là một trong những điểm đến được ưa chuộng nhất do quy trình chỉ cần 3-6 tháng và không yêu cầu thời gian cư trú bắt buộc", Cho, giám đốc một công ty tư vấn di cư ở Seoul, nói. Đại sứ quán Vanuatu không có ở Hàn Quốc, ứng viên sẽ phải đến Malaysia, Dubai hoặc Hong Kong.
"Ứng viên có thể nhận hộ chiếu qua bưu điện", ông nói thêm. Công ty của Cho tính phí 1.500 USD mỗi người để xử lý hồ sơ xin quốc tịch.
Bae buộc phải từ bỏ quốc tịch Hàn Quốc nếu cô trở thành công dân Vanuatu. Cô cũng sẽ gia nhập nhóm nhỏ nhưng đang ngày càng tăng những người mang quốc tịch Vanuatu sống ở Hàn Quốc.
Dữ liệu từ Bộ Tư pháp cho thấy số người từ bỏ quốc tịch Hàn Quốc để lấy quốc tịch Vanuatu trong giai đoạn 2019-2022 là 18 người. Tuy nhiên, số liệu sau năm 2022 của công ty Cho cho thấy con số này sẽ tăng lên.
Chang, 33 tuổi, có con trai 10 tuổi học ở trường Quốc tế Busan, cho biết rất nhiều phụ huynh đã chọn sinh con ở nước ngoài hoặc xin quốc tịch từ các quốc gia Thái Bình Dương để đảm bảo tương lai học tập của con mình.
Năm ngoái, Hàn Quốc có 49 trường quốc tế được công nhận, theo dữ liệu từ Dịch vụ Thống kê Giáo dục Hàn Quốc. Học phí hàng năm của các trường quốc tế dao động 21.471 - 28.628 USD, số tiền tương đương với mức lương trung bình hàng năm của nhân viên văn phòng Hàn Quốc.
"Nhiều học sinh là con em của giám đốc điều hành và nhà ngoại giao", Chang nói. "Họ bị chỉ trích về việc mua quốc tịch, miễn điều đó không vi phạm pháp luật, nó nên được tôn trọng".
Bae cho rằng mức phí 130.000 USD để cô trở thành công dân Vanuatu là đáng giá, đặc biệt khi so với số tiền phụ huynh Hàn chi cho con vào các trường đại học hàng đầu. "Tôi nghe nói gánh nặng tài chính sẽ gấp đôi khi đứa trẻ chuẩn bị du học", cô nói.
Tổng chi phí trung bình nuôi dưỡng trẻ từ khi sinh ra đến vào đại học là 196.531 USD, theo báo cáo Tình hình chi phí giáo dục ở Hàn Quốc năm 2020 của Viện Nghiên cứu Y tế và Xã hội Hàn Quốc.
Tuy nhiên, chính những trường dành riêng cho người nước ngoài là nơi phụ huynh đánh giá cao và tìm cách mua quốc tịch cho con vào học. "Họ cũng có cơ hội kết nối với các phụ huynh nước ngoài có nền tảng danh giá", Chang nói.
Luật sư Kim Hanna ở văn phòng luật Yulsaseojae, cho biết hiện không có cơ sở pháp lý nào để ngừng việc mua quốc tịch từ các quốc gia khác.
Luật Quốc tịch hiện hành đảm bảo quyền tự do từ bỏ quốc tịch. Nếu các cơ quan chức năng muốn ngừng việc sử dụng quốc tịch nước ngoài để trốn nghĩa vụ quân sự hoặc thuế, họ sẽ phải xây dựng các biện pháp khác.
"Nhưng luôn có những người tìm cách lách luật", ông nói.
Ngọc Ngân (Theo The Korea Herald)