Chuẩn bị chung
Nơi đầu tiên cần chú ý là lốp xe. Tùy trọng lượng, loại lốp, số lượng người, hàng hóa trên xe, mức áp suất sẽ khác nhau. Thông tin này được ghi rõ trên phần bệ cửa bên tài, do đó cần bơm đúng mức áp suất khuyến cáo để xe vận hành hiệu quả, an toàn và ít tốn xăng nhất. Lưu ý nên kiểm tra áp suất của cả lốp dự phòng nếu có.
Tiếp theo cần kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu và còi trước mỗi chuyến đi, đảm bảo các chi tiết này hoạt động đúng và đủ. Việc kiểm tra đèn có thể thực hiện bằng cách nhờ người thân, bạn bè đứng ngoài xe để theo dõi, hoặc chủ xe có thể chiếu đèn sát tường để kiểm tra pha/cốt, sau đó lui đuôi xe sát tường để kiểm tra đèn phanh/lùi.
Để có một hành trình thoải mái, cũng nên vệ sinh nội thất trước mỗi chuyến đi nhằm tạo không gian sạch sẽ, dễ chịu. Có thể dùng máy hút bụi cầm tay để vệ sinh bề mặt ghế, các chi tiết nội thất, và sàn, sau đó dùng khăn sạch cùng dung dịch vệ sinh chuyên dụng để lau sạch các vết bẩn trong xe. Bên ngoài xe, các vị trí cần vệ sinh là gương, kính và nắp chụp đèn, phần thân xe có thể vệ sinh hoặc không.
Cuối cùng, nên chuẩn bị một túi cứu hộ khẩn cấp trước mỗi chuyến đi dài, như bộ dụng cụ y tế, bộ dụng cụ tự vá lốp, bơm cầm tay, dây câu điện.
Chuẩn bị cho chuyến đi tới vùng biển
Nắng gắt, nhiều gió, cát và muối biển là những tác nhân môi trường gây ảnh hưởng đến xe khi đi du lịch đến vùng biển. Có thể ngăn chặn các tác động này bằng cách trang bị thêm các tấm bạt che nắng chuyên dụng, dùng để che phủ kính lái để bảo vệ nội thất khỏi nắng nóng. Không nên dùng loại trùm hết xe, vì loại bạt này chỉ có tác dụng bảo vệ thân vỏ nếu xe đang sạch. Nếu xe bẩn, việc phủ bạt sẽ làm lớp sơn bị xước dăm do các viên đá, bụi bị miết trên thân xe.
Lái xe dưới ánh nắng gắt có thể khiến tài xế mỏi mắt, gây khó chịu nếu kéo dài, do đó kính mát là một trang bị hữu dụng giúp việc lái xe trở nên dễ chịu hơn.
Nếu có tắm biển, trước khi bước vào xe nên tắm qua nước ngọt, vì để nước biển thấm vào sẽ khiến các chi tiết nội thất nhanh hỏng do muối có tính ăn mòn cao. Nếu không thể tắm nước ngọt, có thể đợi cho khô người, sau đó lót khăn phủ lên ghế trước khi ngồi. Nên chuẩn bị một túi riêng đựng quần áo đã dùng khi tắm biển, nhằm hạn chế cát biển vương vãi trong xe.
Sau mỗi chuyến đi, nên rửa sạch xe kể cả gầm để loại bỏ muối và cát biển bám trên các chi tiết bên ngoài, có thể gây ăn mòn nhanh hơn nếu tiếp xúc lâu.
Chuẩn bị cho chuyến đi tới vùng núi
Mưa, sương mù, băng giá là những tác động của thời tiết khi đi du lịch ở vùng núi cao. Tài xế nên kiểm tra lốp thường xuyên hơn vì không khí càng lạnh sẽ giảm áp suất lốp, làm giảm cảm giác lái và độ an toàn của xe.
Tiếp theo, có thể dùng cách dung dịch chống bám nước mưa, sương mù trên gương, kính bên ngoài xe để tăng tầm nhìn khi thời tiết xấu. Lưu ý nên đảm bảo mức nước rửa kính của xe còn đủ, nếu thiếu thì phải châm thêm. Trời lạnh có thể khiến ắc-quy giảm khả năng giữ điện, khó nổ máy, nhất là những xe đã cũ, do đó nên kiểm tra và thay thế nếu cần thiết.
Cuối cùng, nếu chuyến đi chủ yếu là di chuyển trên khu vực đồi núi, nên đảm bảo hệ thống phanh được bảo dưỡng kỹ càng, đầy đủ, độ mòn má phanh ở mức cho phép. Má phanh hoặc đĩa phanh quá mòn sẽ làm giảm hiệu quả phanh, gây nguy hiểm khi xe đang đổ đèo, dốc.
Tân Phan