Khó khởi động máy
Ắc-quy của ôtô sẽ hoạt động tốt nhất ở một khoảng nhiệt độ nhất định, rơi vào khoảng 26-27 độ C. Quá cao hoặc quá thấp sẽ làm giảm hiệu suất của ắc-quy, nặng nề nhất là khi nhiệt độ xuống thấp.
Nhiệt độ môi trường ảnh hưởng nhiều tới khả năng hoạt động của ắc-quy. Khi nhiệt độ tăng quá cao, tốc độ phản ứng hóa học trong bên trong ắc-quy tăng, dễ gây ra hiện tượng ăn mòn, khiến ắc-quy nhanh hỏng. Ngược lại nếu nhiệt độ giảm xuống thấp, tốc độ phản ứng hóa học chậm lại, khiến ắc-quy giảm khả năng giữ điện, do đó xe khó khởi động hơn, đặc biệt với những ắc-quy đã sử dụng lâu, gần đến lúc phải thay.
Lúc này cách "chữa cháy" nhanh là khởi động xe thường xuyên, cho xe nổ máy tại chỗ khoảng 20-30 phút nếu không chạy xe, hoặc lái xe trong 15 phút để ắc-quy sạc đủ điện, thực hiện việc này mỗi 2-3 ngày, hoặc nhiều hơn tùy vào tình trạng của ắc-quy. Cách xử lý triệt để nhất là thay thế ắc-quy mới, giá từ 1,5-2,5 triệu đồng tùy vào chủng loại. Ngoài ra nên vô hiệu hóa hệ thống tắt máy tạm thời (Idling Stop) nếu xe có tính năng này, khi gặp trường hợp khó khởi động máy.
Lưu ý khi trời lạnh, lúc mới nổ máy lần đầu trong ngày động cơ có thể ồn hơn thông thường. Đây là hiện tượng bình thường, vì khi nhiệt độ xuống thấp hiệu quả các chất bôi trơn chi tiết máy xe giảm nhẹ, hệ thống tự động tăng vòng tua lên cao để máy nóng nhanh, giúp động cơ đạt mức nhiệt độ hoạt động tối ưu. Chỉ một vài phút, vòng tua sẽ giảm về mức thông thường.
Một số xe chạy bằng diesel sẽ khó khởi động khi trời lạnh hơn xe chạy xăng, vì diesel cần nhiệt độ cao để có thể kích nổ. Để giải quyết điều này đa số các xe chạy diesel hiện nay được trang bị bộ sấy bugi, khi hoạt động sẽ có biểu tượng hình xoắn ốc ở bảng điều khiển, cần chờ đèn này tắt (báo hiệu bugi đã sấy xong) trước khi khởi động xe.
Các xe tải hạng nặng, đời cũ thường dùng bộ sấy khí nạp để hỗ trợ khởi động xe. Trong một số trường hợp cá biệt, ví dụ nhiệt độ xuống dưới mức âm, diesel có thể bị đặc lại thành dạng gel, khiến xe không thể khởi động, lúc này một cách thức các tài xế xe tải thường dùng để "chữa cháy" là đốt lửa hơ nóng bình chứa dầu, tuy nhiên có nhiều rủi ro làm hư hại xe, nên chỉ thực hiện khi không còn cách nào khác. Hiện nay, ở các nước lạnh, thường có thêm các dung dịch bổ sung giúp động cơ dễ nổ vào mùa đông.
Mờ kính khi sử dụng điều hòa
Mờ kính bên trong khoang lái là hiện tượng phổ biến hay xảy ra khi thời tiết chuyển lạnh, lý do vì có sự chênh lệch nhiệt độ/độ ẩm không khí bên trong và ngoài xe. Vào mùa đông, bề mặt kính xe lạnh, trong khi đó hơi ấm từ thân nhiệt hoặc sưởi từ điều hòa khiến hơi nước bên trong khoang xe bốc hơi rồi ngưng tụ trên kính. Chế độ sưởi kính trên xe sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, có nhiều cách khác để hạn chế tình trạng mờ kính xảy ra.
Khi gặp hiện tượng kính bị mờ, tài xế có thể hạ bớt cửa kính xuống để nhiệt độ/độ ẩm bên trong và ngoài xe cân bằng, giúp giảm tình trạng mờ kính. Ngoài ra, không nên bật chế độ sưởi của điều hòa ở mức nóng nhất khi mới lên xe, thay vào đó nên bắt đầu ở mức mát, sau đó mời tăng lên dần.
Bên cạnh đó nên để điều hòa ở chế độ lấy gió ngoài để không khí ẩm bên trong không bị tù đọng. Không nên để bên trong khoang lái những đồ vật bị ẩm ướt, như áo khoác, giày... vì chúng sẽ khiến độ ẩm tăng cao.
Một mẹo nhỏ để giảm ẩm bên trong xe là sử dụng cát vệ sinh cho mèo, vốn có độ hút nước cao, cho vào túi vải và đặt dưới sàn xe. Việc làm này sẽ giúp giảm độ ẩm bên trong cabin, khiến tình trạng mờ kính khó xảy ra hơn. Nên thay thế cát mỗi tuần.
Lốp non hơi
Không khí lạnh sẽ khiến áp suất lốp giảm. Thông thường, áp suất sẽ giảm khoảng 1-2 PSI (0,07-0,14 bar) khi nhiệt độ hạ 10 độ C. Xe chạy với lốp non hơi sẽ khiến tuổi thọ lốp giảm, tốn xăng hơn, ảnh hưởng đến cảm giác lái và độ an toàn. Do đó tài xế nên kiểm tra áp suất lốp thường xuyên hơn khi thời tiết chuyển lạnh.
Lưu ý nên bơm đúng áp suất lốp có ghi trên bệ cửa, việc bơm quá căng sẽ khiến lốp mòn không đều, và dễ bị hiện tượng trượt nước nếu đi trên bề mặt đường trơn trượt, có vũng nước.
Tân Phan