Ngày 14/11, ThS.BS.CKII Phạm Thanh Trúc, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bàng quang của ông Tuấn có một khối u lớn 4 cm, tăng sinh mạch máu quá mức dẫn đến vỡ, gây chảy máu vào nước tiểu. Kết quả sinh thiết cho thấy u chưa di căn sang vùng xung quanh nhưng độ ác tính cao, đã xâm lấn cơ bàng quang, tương đương ung thư ở giai đoạn hai. Bác sĩ Trúc chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang kết hợp tạo hình bàng quang trực vị bằng ruột non, giúp người bệnh bảo tồn khả năng đi tiểu tự nhiên, không phải mang túi nước tiểu bên mình suốt đời.
Êkíp tạo một đường mổ khoảng 15 cm từ dưới rốn xuống vùng xương mu, sau đó tiếp cận bàng quang. Trong vòng 90 phút, êkíp lần lượt nạo hạch chậu, lấy túi tinh và tuyến tiền liệt rồi cắt toàn bộ bàng quang ung thư. Sau đó, êkíp lấy một đoạn hồi tràng (phần ruột non nối với ruột già) của người bệnh, dài khoảng 15-20 cm, tạo hình thành bàng quang mới. Cuối cùng, bác sĩ khâu nối niệu đạo và hai niệu quản vào bàng quang mới. Quá trình khâu nối được tính toán chính xác giúp người bệnh tránh bị hẹp niệu đạo hay tiểu không tự chủ (són tiểu) sau mổ.
6 ngày sau, ông Tuấn phục hồi tốt, không đau, có thể đi lại bình thường, được xuất viện. Bàng quang được tạo hình từ ruột non không co bóp tốt như bàng quang tự nhiên nên thời gian đầu ông cần ép cơ bụng để đẩy nước tiểu ra ngoài. Sau khoảng ba tháng, ông có thể kiểm soát được bàng quang mới, đi tiểu dễ hơn.
Theo Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (Globocan), ung thư bàng quang là một trong những loại ung thư phổ biến nhất toàn cầu. Tại Việt Nam, năm 2022 có 1.970 ca mắc mới và 1.000 ca tử vong vì bệnh này. Bác sĩ Trúc cho hay phần lớn trường hợp ung thư bàng quang được phát hiện ở giai đoạn sớm, chưa xâm lấn cơ với triệu chứng thường gặp nhất là tiểu máu. Do đó, người xuất hiện các triệu chứng đường tiểu dưới như tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu thường xuyên, nhất là tiểu máu và tái phát nhiều lần, cần sớm tầm soát ung thư đường tiết niệu nói chung, ung thư bàng quang nói riêng. Ung thư bàng quang được phát hiện ở giai đoạn sớm, độ ác tính thấp, chưa xâm lấn cơ, chỉ cần nội soi bàng quang cắt khối u, không phải cắt toàn bộ bàng quang.
Theo bác sĩ Trúc, cắt bàng quang toàn phần và tạo hình bàng quang trực vị là một trong những phẫu thuật tạo hình đường tiết niệu phức tạp nhất, đòi hỏi bác sĩ chuyên môn cao. Phương pháp này được chỉ định điều trị ung thư đã xâm lấn cơ bàng quang nhưng chưa di căn.
Phòng ngừa ung thư bàng quang bằng cách ngừng hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc hóa chất độc hại (thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm...), uống 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần (nhất là với người từ 55 tuổi trở lên).
Thắng Vũ
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |