Tesla đã kết hợp một loạt cải tiến để tạo ra một sự đột phá về công nghệ - thứ có thể biến đổi cách làm xe điện và giúp Elon Musk đạt mục tiêu giảm chi phí sản xuất, theo 5 nguồn tin của Reuters.
Hãng xe điện Mỹ đi đầu trong việc sử dụng các máy đúc khổng lồ với lực nén rất lớn để đúc kết cấu trước và sau của mẫu Model Y từ năm 2020 trong một quy trình gọi là "gigacasting", giúp cắt giảm chi phí và khiến các đối thủ phải "guồng chân" đuổi theo.
Trong nỗ lực mở rộng vị thế dẫn đầu, Tesla đang tiến gần hơn đến một cải tiến cho phép hãng đúc gần như toàn bộ phần gầm xe đầy phức tạp của một xe điện thành một tấm nguyên khối, thay vì làm ra 400 chi tiết ở một mẫu xe thông thường, nguồn tin cho biết.
Sự hiểu biết là cốt lõi của chiến lược sản xuất "đập hộp" từng được Musk giới thiệu hồi tháng 3, nhằm sản xuất ồ ạt hàng chục triệu xe điện giá rẻ trong thập kỷ tới, và vẫn tạo ra lợi nhuận, theo các nguồn tin.
Tuy nhiên, phương pháp của Tesla vẫn là chủ đề của những suy đoán. Terry Woychowski, chủ tịch công ty công nghệ Caresoft Global (Mỹ), nói nếu Tesla tìm được cách đúc phần lớn gầm xe của một chiếc xe điện, hãng có thể phá vỡ cách mà xe hơi vốn được thiết kế và sản xuất.
Hai trong số các nguồn tin nói, Tesla có thiết kế mới cùng các kỹ thuật sản xuất có thể giúp hãng phát triển một chiếc xe từ số 0 đến khi hoàn thiện chỉ trong vòng 18-24 tháng, trong khi phần lớn đối thủ lúc này vẫn phải mất 3-4 năm.
Cả 5 nguồn tin cho biết, bộ khung đơn cỡ lớn - kết hợp các bộ phận trước và sau xe cùng phần gầm giữa nơi lắp bộ pin - có thể được sử dụng cho mẫu xe điện cỡ nhỏ của Tesla với mục tiêu ra mắt với mức giá chỉ khoảng 25.000 USD vào giữa thập kỷ này.
Tesla có thể sẽ quyết định có đúc nguyên khối kết cấu nêu trên hay không sớm nhất trong tháng 9. Tuy nhiên hiện chưa có thông tin về quyết định này.
Dù Tesla chưa quyết định áp dụng công nghệ tiên tiến mới, thì công nghệ gigacasting của hãng đã trở thành mục tiêu theo đuổi của một số đối thủ.
Trong tháng 9, Toyota trưng bày một nguyên mẫu của thiết bị đúc khuôn có thể tạo ra 33% thân xe chỉ trong khoảng 3 phút. Quá trình phát triển này sẽ trở thành chìa khóa cho những kế hoạch của hãng Nhật trong việc thúc đẩy sản xuất xe điện có lợi nhuận trong những năm tới.
Cỗ máy tại nhà máy Toyota ở Myochi, Nhật Bản, nhả ra một đám khói trắng khi chạy biểu diễn trước các phóng viên. Nhôm nung chảy được rót vào máy và làm lạnh nhanh từ 700 độ C xuống 250 độ C, đông đặc thành một tấm nguyên khối và tạo ra phần thứ 3 phía sau của khung xe - thứ thông thường được làm từ 86 linh kiện trong quy trình 33 bước và mất hàng giờ đồng hồ.
Mục tiêu của Toyota là khai thác những thành tựu công nghệ tương tự giúp giảm quy trình sản xuất, đầu tư nhà máy và thời gian chuẩn bị sản xuất. Tất cả để hỗ trợ nhiệm vụ bán 3,5 triệu xe điện mỗi năm tính đến hết 2030.
Gigacasting sẽ được sử dụng để sản xuất các bộ phận phía trước và sau của một mẫu xe điện mới của Toyota với thời gian ra mắt dự kiến trong 2026.
Mỹ Anh (theo Reuters, Nikkei)