Ngày 22/11, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, giảm ý thức, gọi hỏi không trả lời. 30 phút sau, người bệnh hôn mê sâu.
Gia đình cho biết bà đang điều trị trầm cảm, tự ý uống gần hết một lọ Amitriptyline 10 mg, khoảng 100 viên. Các bác sĩ đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân, thở máy, dùng thuốc an thần, rửa dạ dày, liên tục theo dõi chỉ số sinh tồn... Bệnh nhân bị ngộ độc nặng, xuất hiện nhiều cơn co giật mạnh toàn thân, rối loạn nhịp tim, nguy cơ ngừng tim.
Sau điều trị tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, rút ống, tự thở.
Bác sĩ khuyến cáo Amitriptyline là thuốc dùng để điều trị bệnh trầm cảm theo kê đơn và cần thận trọng trong việc sử dụng thuốc. Gia đình có người bệnh trầm cảm cần có sự theo dõi và hỗ trợ, đề phòng những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra do uống quá liều.
Theo Medical Daily, trầm cảm là nguyên nhân chính dẫn đến tự sát. Mỗi năm, khoảng 850.000 người chết vì căn bệnh này, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tại Việt Nam, ước tính gần 6 triệu người mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, theo thống kê năm 2022.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tỷ lệ rối loạn tâm thần ở nước ta chiếm 14,9% dân số, tương đương gần 15 triệu người. Trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao khoảng 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người ăn uống điều độ, tập thể dục, chăm sóc sức khỏe tinh thần. Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động ngoài trời, tập thể dục thường xuyên như đi bộ, chạy hoặc khiêu vũ, thư giãn với yoga, thái cực quyền, thiền.
Trường hợp trầm cảm hoặc có biểu hiện trầm cảm cần đi khám và tầm soát sớm. Phương pháp điều trị có thể là dùng thuốc và không dùng thuốc, tùy thuộc mức độ và cá nhân từng người.
Thùy An