Sự rút lui sẽ diễn ra sớm nhất có thể, theo nhà phân tích John Murphy của Bank of America Securities. Sự tốn kém khi làm xe điện là nguyên nhân chính.
Dự đoán này xuất phát từ một cuộc thảo luận về những biện pháp cắt giảm chi phí khắc nghiệt mà các hãng xe lớn sẽ phải thực hiện để có đủ sức cạnh tranh với các hãng xe điện, như Tesla, cũng như các hãng xe nước ngoài.
Để giải quyết tình trạng doanh số xe điện chậm hơn dự kiến, Ford, General Motors (GM) và Stellantis (tập đoàn mẹ của các hãng như Jeep, Dodge, Ram, Chrysler) phải tập trung vào cắt giảm chi phí ở mọi phân khúc kinh doanh. Ba "ông lớn" này dường như cũng sẽ phải thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nhằm giảm chi tiêu, như Murphy cảnh báo, đặc biệt với các hoạt động ở phân khúc xe xăng. Những biện pháp này được Murphy ví như "thuốc đắng giã tật".
Trong khi đó, Trung Quốc - thị trường ôtô lớn nhất thế giới - vốn không phải miền đất hứa với nhiều hãng xe nước ngoài, đặc biệt trong những năm gần đây. Chính vì thế, rất khó để có thể vượt qua sức mạnh của các công ty Trung Quốc tại chính quê nhà của họ, theo lưu ý của Murphy và các nhà phân tích khác.
Sự trung thành của khách hàng Trung Quốc đối với những thương hiệu nội địa cũng rất mạnh mẽ, và có thể mạnh hơn nữa sau khi Mỹ áp thuế tăng vọt với xe điện Trung Quốc.
Doanh số của Ford và GM ở Trung Quốc giảm đáng kế trong thập kỷ vừa qua. Khu vực này từng là thị trường lớn nhất của GM. Những năm 2010, GM kiếm được 2 tỷ USD mỗi năm với doanh số đạt đỉnh là 4 triệu xe bán ra.
Nhưng giờ đây, hãng Mỹ phải chật vật để kiếm lời. Doanh số của hãng tại thị trường này giảm còn 2,1 triệu xe trong 2023, và lỗ 106 triệu USD trong quý I.
Ford - đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ như BYD và Geely - đang phải chuyển đổi kinh doanh ở Trung Quốc để biến đây thành trung tâm xuất khẩu.
Nếu bộ ba này quyết định rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc, Tesla sẽ là thương hiệu ôtô Mỹ duy nhất cạnh tranh ở cả 3 thị trường lớn trên toàn cầu, gồm Trung Quốc, Bắc Mỹ và châu Âu.
Mỹ Anh (theo Reuters)