Scandal thử nghiệm mới nhất liên quan tới một loạt thương hiệu xe Nhật, có cả "gã khổng lồ" Toyota, làm xói mòn danh tiếng về chất lượng - yếu tố hàng đầu của lĩnh vực sản xuất quan trọng của quốc gia Đông Á, theo Nikkei Asia.
Toyota, Mazda và hãng xe máy Yamaha đã dừng vận chuyển với 6 mẫu xe do những bất thường trong quá trình thử nghiệm an toàn của hồ sơ kiểm định kiểu loại sản phẩm mà chính phủ Nhật yêu cầu đối với sản phẩm sản xuất đại trà.
Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) bắt đầu điều tra tại trụ sở của Toyota sáng 4/6. Theo đó, bộ sẽ phân tích bối cảnh cũng như các điều kiện thực tế của các thử nghiệm bằng việc thu thập hồ sơ và phỏng vấn những cá nhân có liên quan.
"Những hành động này làm lay chuyển nền móng của hệ thống chứng chỉ, và với tư cách một hãng sản xuất ôtô, chúng tôi tin rằng những hành động này không bao giờ được phép xảy ra", Akio Toyoda, chủ tịch hội đồng quản trị của Toyota, nói trong buổi họp báo hôm 3/6.
Hãng xe Nhật có kế hoạch dừng hai dây chuyền sản xuất tại chi nhánh Toyota Motor phía đông Nhật Bản vào 5/6, nguy cơ tác động đến hơn 1.000 nhà cung ứng linh kiện. Toyota sẽ thỏa thuận bồi thường với các công ty cho những tổn thất liên quan.
Những bất thường trong các thử nghiệm được phát hiện từ năm 2014. Đến hết tháng 4 vừa qua, Toyota đã giao tổng cộng khoảng 1,7 triệu xe của 7 mẫu có sai phạm trong thử nghiệm. Một số mẫu xe này đã dừng sản xuất. Điều tra vẫn tiếp tục, với kết quả đầy đủ dự kiến có vào cuối tháng 6, và có thể thêm những mẫu xe khác được nêu tên.
Trong 8 năm từ khi những vấn đề về chất lượng bắt đầu nổi lên, Toyota và Honda nói rằng không có những gian lận như thế. MLIT từng yêu cầu các hãng thực hiện điều tra mỗi khi có một vấn đề xuất hiện, nhấn mạnh sự bất lực của các hãng trong việc "dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa" của chính mình.
Từ khoảng 2 năm qua, một loạt scandal nổ ra ở các hãng thuộc tập đoàn Toyota là Hino, Toyota và Daihatsu. Trong đó, Tổng số 88.000 xe Toyota Vios và Perodua Axia liên quan tới hành vi gian dối của hai thương hiệu Nhật trong các bài thử nghiệm va chạm.
Trong các cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân năm nay, các đại diện công đoàn phàn nàn với giới chức rằng hãng quá đề cao việc ra mắt xe dựa trên kế hoạch phát triển.
Tại họp báo hôm 3/6 vừa qua, Toyota nói rằng "chúng tôi làm lại công việc nhiều lần trong một khung thời gian ngắn gọn", thứ mà "đến cuối có thể trút gánh nặng" lên các công nhân ở nhà máy.
Akio Toyoda, chủ tịch hội đồng quản trị Toyota, nói hồi tháng 1, sau scandal của Daihatsu, rằng với tư cách cá nhân ông có thể "dẫn đầu sự thay đổi của tập đoàn". Hôm 3/6, Toyoda nói không nhắm đến trách nhiệm quản lý của Toyota, gồm cả của bản thân, đối với những vấn đề mới nhất.
Công nghiệp ôtô là phần chủ lực thuộc lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản, chiếm khoảng 20% giá trị vận chuyển. Đặc biệt, Toyota trở thành hãng Nhật đầu tiên đạt 32 tỷ USD lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh hàng năm trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 vừa qua. Toyota cũng đứng đầu thế giới về doanh số trong 2023, với 10,3 triệu xe, nhiều hơn 1 triệu xe so với á quân Volkswagen.
Lúc này, cạnh tranh ngày càng gay gắt với không chỉ các đối thủ phương Tây, vì ngay cả các hãng xe Trung Quốc cũng đẩy mạnh xe điện. Các hãng ôtô Nhật Bản lại đối mặt với những cơn sóng dữ khi danh tiếng về chất lượng có những vết nhơ mới.
Mỹ Anh