Khi giá Bitcoin (BTC) lên vùng giá 90.000 USD, cảm giác hưng phấn hay lạc quan cực độ lan tỏa khắp thị trường. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lơ là về rủi ro giảm giá phía trước. Đó là phân tích mới nhất đến từ nhóm chuyên gia của sàn giao dịch tiền số QCP Capital có trụ sở tại Singapore.
Tỷ lệ cấp vốn có trọng số lãi suất mở (OI) trong kỳ hạn hoặc hợp đồng tương lai không có thời hạn đã tăng lên 0,056% - mức cao nhất kể từ tháng 3, theo nền tảng dữ liệu Coinglass. Đây là một chỉ số được sử dụng trong giao dịch phái sinh để đánh giá tâm lý thị trường và dự đoán biến động giá trong tương lai.
Tỷ lệ dương cho thấy tâm lý tăng giá khi các nhà giao dịch sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để duy trì các vị thế mua (long position). Ngược lại, tỷ lệ âm đáng kể báo hiệu tâm lý giảm giá, nhà đầu tư chuộng bán khống (short selling).
Theo QCP Capital, tỷ lệ cấp vốn có trọng số OI tăng lên là một dấu hiệu cho thấy các vị thế mua tăng giá đang trở nên đông đúc. Do đó, chỉ cần một đợt giảm giá nhẹ cũng có thể khiến những ai sử dụng đòn bẩy cao phải đóng vị thế và vô tình làm trầm trọng thêm áp lực giảm giá trên thị trường. Hiện tượng "rũ bỏ đòn bẩy" vốn phổ biến trong các đợt thị trường tăng giá trước đây, thường dẫn đến tình trạng tiền số giảm đột ngột với tốc độ hai con số, nhà đầu tư hoảng loạn và bán tháo bất chấp.
Ngoài ra, tỷ lệ cấp vốn tăng cao cũng cho thấy hợp đồng tương lai vĩnh cửu (perpetual futures) đang giao dịch ở mức cao hơn giá giao ngay. Các hợp đồng tương lai tiêu chuẩn cũng đang giao dịch với mức phí quyền chọn (premium) trên 15% ở tất cả sàn giao dịch, bao gồm cả Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME).
Trong giao dịch phái sinh, khi thực hiện quyền chọn mua (call option), người mua sẽ phải trả cho người bán một khoản phí premium. Sau đó, họ sẽ có quyền được mua một lượng tiền số nhất định theo mức giá được thỏa thuận.
Theo QCP Capital, trong lịch sử, những đợt tăng giá đột biến mạnh như vậy khi phí quyền chọn neo cao, thường không kéo dài quá lâu.
Thực tế, sau khi lên sát 90.000 USD vào hôm 12/11, BTC đã rung lắc mạnh. Chỉ sau vài tiếng, thị giá về sát 85.100 USD một đồng, giảm 5,5% chỉ trong thời gian ngắn.
Khuya hôm qua, tiền số này lập kỷ lục mới hơn 93.434 USD. Tuy nhiên, giá cũng sụt hơn 5.100 USD chỉ sau 5 giờ. Đến sáng nay, BTC chủ yếu giao dịch dưới 90.000 USD một đơn vị.
Những biến động trong hôm qua đã khiến lệnh bán tăng lên mạnh từ mức 90.000 USD trên sàn giao dịch Binance. Trước đó, trong ngày 12/11, khoảng 940 triệu USD các vị thế giao dịch phái sinh có đòn bẩy trên tất cả tài sản kỹ thuật số cũng bị thanh lý, theo dữ liệu của CoinGlass. Đây là đợt thanh lý lớn nhất kể từ cú "sập" hôm 5/8 khi đưa BTC xuống dưới 50.000 USD trong thời gian ngắn.
Thanh lý xảy ra khi một sàn giao dịch tất toán một vị thế có đòn bẩy, do mất một phần hoặc toàn bộ số tiền ký quỹ nếu nhà đầu tư không có đủ tiền để bù lỗ cho vị thế đó. Các sự kiện thanh lý lớn thường đánh dấu đỉnh hoặc đáy cục bộ của giá tài sản.
Cảnh báo về rủi ro pullback (giá đi ngược xu hướng thị trường trong ngắn hạn) cũng được nhóm chuyên gia của nền tảng phân tích thị trường FxStreet đưa ra. Dữ liệu của nền tảng phân tích dữ liệu CryptoQuant cho thấy tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trên thị trường đang tăng lên và đạt mức cao hàng năm là 0,23 cuối tuần trước. Điều này biểu thị rủi ro biến động cao.
Nhóm phân tích này còn nhận thấy rủi ro khi xem xét chỉ số sức mạnh tương đối (RSI). Đây là chỉ báo đo lường mức độ dao động của giá, thể hiện độ mạnh yếu tương đối của một loại tài sản khi được so với với chính nó trong quá khứ. Chỉ báo này dao động từ 0 đến 100. Khi RSI nằm dưới 30 cho thấy giá đang bị bán quá mức, khi RSI trên 70 tức đang bị mua quá mức.
Hiện RSI của Bitcoin neo ở 75-76 điểm, cao hơn mức quá mua, báo hiệu nguy cơ gia tăng. FxStreet khuyên các nhà giao dịch nên thận trọng khi mua đuổi vì việc RSI di chuyển ra khỏi vùng quá mua là một dấu hiệu rõ ràng về đợt thoái lui. Nếu BTC phải đối mặt với một đợt pullback điều chỉnh, nó có thể giảm hơn 10% so với hiện tại và kiểm tra lại mức hỗ trợ 78.807 USD.
Tiểu Gu (theo CoinDesk, FxStreet)